Thời sự - Bình luận

Để phát triển hài hòa nguồn nhân lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều về việc chọn môn thi thứ ba vào lớp 10. Trong khi đó, xu hướng học sinh chọn môn xã hội để học và thi tốt nghiệp THPT khiến dư luận âu lo về sự mất cân bằng nguồn lực lao động trong tương lai.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định, giáo dục phổ thông VN gồm 12 năm, chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Điều này hoàn toàn phù hợp với giáo dục thế giới, khi hầu hết các nước chia giáo dục phổ thông làm 2 giai đoạn. Vì vậy, chương trình đánh giá PISA của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) nhằm đánh giá học sinh (HS) lứa tuổi 15, vừa kết thúc giáo dục cơ bản.

Chương trình PISA đánh giá 3 lĩnh vực chính là toán học, đọc hiểu và khoa học. Cứ 3 năm đánh giá một lần, trong đó có một lĩnh vực được đặt trọng tâm. Năm 2021 không tổ chức thi do dịch bệnh Covid-19 và phải lùi lại năm 2022. VN tham gia đánh giá PISA từ năm 2012 và luôn đứng ở mức cao so với các nước, vùng lãnh thổ tham gia, xếp thứ 2 các nước Đông Nam Á (chỉ sau Singapore).

Tuy nhiên, kết quả đánh giá PISA của VN từ năm 2022 giảm sút nhiều, xếp hạng năm 2022 thấp nhất, giảm ở tất cả các lĩnh vực. Nguyên nhân có thể do dịch Covid-19. Tuy nhiên, một lý do theo nhiều nhà giáo dục chỉ ra, đó là trong những năm gần đây, tỷ lệ HS chọn tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn áp đảo. Năm 2024, tỷ lệ toàn quốc là 63% KHXH và 37% KHTN, thậm chí có địa phương hai tỷ lệ này là 90% và 10%. Xu hướng này đã tác động đến việc học của HS. Ngay từ những năm THCS, HS tập trung học 3 môn toán, văn và ngoại ngữ để thi lớp 10 và học các môn KHXH để sau này thi tốt nghiệp THPT dễ đạt điểm cao. Xu hướng này đã làm cho năng lực khoa học của HS lứa tuổi 15 của VN giảm, nên kết quả tụt hạng về khoa học là tất yếu.

Mục tiêu hết THCS, HS đạt trình độ phổ thông nền tảng, toàn diện, phân luồng mạnh sau THCS là nhất quán từ Nghị quyết số 29, đến luật Giáo dục 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện nay, phụ huynh, HS và cả xã hội đều mong muốn quá trình giáo dục và thi cử cần giảm áp lực tối đa, làm sao để HS học tập nhẹ nhàng nhất và thi dễ đỗ nhất. Tuy nhiên, để đất nước phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm thay đổi nền sản xuất, kinh tế và xã hội, cần rất nhiều nhân lực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ..., đặc biệt là nhân lực về AI và bán dẫn…

Vì vậy, điều quan trọng là cần thay đổi nhận thức của HS, phụ huynh cũng như toàn xã hội, rằng tất cả các môn học đều bình đẳng trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Việc đánh giá, xếp loại HS cũng không phân biệt môn học, và môn học nào cũng giúp HS thành công sau này.

Để HS có đủ năng lực học tập ở cấp THPT, chọn tổ hợp môn học và thi theo nhu cầu về nguồn nhân lực của địa phương và đất nước, hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đưa VN bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc giảm áp lực thi cử bằng việc công bố phương án thi tuyển THPT sớm hơn là cần thiết, nhưng cần đảm bảo mục tiêu toàn diện cấp THCS. Nếu không, công cuộc đổi mới giáo dục sẽ thất bại khi HS chọn môn học và thi tốt nghiệp THPT ngược dòng với nhu cầu của nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

Theo Hồ Sỹ Anh (TNO)

Có thể bạn quan tâm