Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Di huấn và tầm nhìn về Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh như mới vang lên vừa hôm qua, có thể vận ngay vào những vụ án, vụ kỷ luật đã, đang và sắp diễn ra
Lịch sử khéo lựa chọn, năm 2020 là tròn 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước.
Chỉnh đốn Đảng phải làm thường xuyên
Những cột mốc lịch sử ấy gắn liền với Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời, trải qua những thăng trầm, biến động của quá trình Đảng lãnh đạo công cuộc giành độc lập, giữ nước và kiến thiết đất nước. Quá trình lãnh đạo ấy của Đảng có thể chia thành hai trạng thái cơ bản: trước khi và sau khi cầm quyền. Trước khi cầm quyền thì đảng viên phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh, tù đày, chết chóc. Sau khi cầm quyền thì được giao quyền lực nhà nước để thực thi trách nhiệm công bộc, đồng thời được hưởng những chế độ, chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần. Quá trình ấy gắn bó xuyên suốt với vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ của Đảng.
Qua tư liệu lịch sử, có thể nói, chấn chỉnh Đảng luôn là mối quan tâm hàng đầu, từ rất sớm và liên tục của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, sau đó là toàn quốc kháng chiến, phải rời bỏ thủ đô Hà Nội lên chiến khu, trong hơn 20 năm xây dựng hòa bình trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cho đến khi qua đời, mỗi năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có những bài viết huấn thị, phê phán, yêu cầu cán bộ, công chức, đảng viên và tổ chức Đảng thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.
Công cuộc chấn chỉnh Đảng đầu tiên do Hồ Chí Minh lãnh đạo có thể nói là vào năm 1947, với tác phẩm "Sửa đổi lề lối làm việc" (SĐLLLV). Khi ấy, Đảng mới cầm quyền chưa đầy 2 năm và cũng chưa kiểm soát được nhiều vùng trên cả nước, nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng đang sống và hoạt động trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn và nguy hiểm của đời sống kháng chiến. Trong điều kiện ấy, Hồ Chí Minh đã dành thời gian quý báu để viết một tác phẩm có tầm nhìn xa đến nhiều thập kỷ sau, khi Đảng đã lãnh đạo một đất nước có nền kinh tế mỗi năm làm ra vài trăm tỉ đô-la. SĐLLLV nêu lên những căn bệnh, thậm chí mới chỉ là những triệu chứng chớm bệnh của Đảng cầm quyền và chỉ ra những liệu pháp chữa trị một cách sâu sắc, cụ thể, tới ngày nay vẫn còn tính thời sự và nguyên giá trị.
 
Ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - phát biểu tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Ảnh: TTXVN
Tất cả đều vì dân
Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh quan hệ giữa lợi ích của dân tộc, của nhân dân với mục đích và sứ mệnh của nhà nước và đảng cầm quyền. Chỉ 17 ngày sau ngày Tuyên ngôn Độc lập, trong bài "Chính phủ là công bộc của dân", Người viết: "Các công việc của Chính phủ là phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh".
Hồ Chí Minh hết sức coi trọng quyền dân chủ của nhân dân, coi đó là nguồn gốc và là người chủ của quyền lực nhà nước. Tháng 2-1947, gặp gỡ thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Người nói: "Chính phủ Cộng hòa dân chủ là gì? Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ... Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ". Tháng 10-1949, Người viết trong bài Dân Vận: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Đây là những tư tưởng chủ đạo của quyền con người, quyền công dân được công nhận trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời được minh thị trong hiến pháp của đại đa số các quốc gia văn minh.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ nhân dân cũng là mục đích ra đời và phấn đấu của Đảng và đảng viên. "Lợi ích của dân tộc gồm có lợi ích của Đảng... Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác". Vì vậy, "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng" (trích: SĐLLLV).
Tham nhũng phải bị vạch trần và trừng trị
Trong SĐLLLV, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định". Cũng do khâu cán bộ mà "chính sách thì đúng, cách làm thì sai". Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức nghiêm khắc với những yêu cầu đạo đức của đảng viên, dù Đảng mới thực sự cầm quyền chưa đầy 2 năm. Gắn với các giá trị đạo đức truyền thống khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đảng viên cần có 5 thứ đạo đức: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Đặc biệt, căn bệnh tham nhũng được vạch trần và lên án một cách rõ ràng, mạnh mẽ, kiên quyết. "Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình... Đó là đạo đức cách mạng". Khi chỉ ra và phân tích thấu đáo 15 căn bệnh chủ yếu của đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu đầu tiên là "bệnh tham lam". Người viết: "Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ "tự tư tự lợi". Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào".
Ngay từ thời kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác bỏ việc xử lý nội bộ và không công khai cho dân chúng. Người viết: "Có những cán bộ tưởng rằng nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại, vì: kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền, giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền... Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết". (Báo Sự Thật, số 109, 15-4-1949).
90 năm sau ngày thành lập Đảng, những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh như mới vang lên hôm qua, có thể vận ngay vào những vụ án, vụ kỷ luật đã, đang và sắp diễn ra: "Phải nhớ đoàn thể làm việc cho dân. Đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân. Học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân...". 

Muốn cho dân phục, phải được dân tin. Muốn cho dân tin, phải thanh khiết.

Tín hiệu tích cực

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần XII, trong khi tình hình xây dựng đất nước đang có những chuyển biến tích cực thì đồng thời Đảng cũng đang tiến hành công cuộc chỉnh đốn nội bộ với mức độ quyết liệt chưa từng có. Mức độ quyết liệt ấy tương xứng với những sai lầm, khuyết điểm, tội phạm nghiêm trọng của một bộ phận không nhỏ đảng viên và tổ chức Đảng thậm chí ở cấp rất cao. Qua chỉnh đốn Đảng đã thi hành kỷ luật 54.573 đảng viên và hàng ngàn tổ chức Đảng, trong số đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên trung ương, nhiều bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, phó thủ tướng, bí thư và nguyên bí thư tỉnh ủy, 23 cán bộ cấp tướng công an và quân đội; một số đã phải ra tòa hình sự và chịu án phạt tù.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm