Thời sự - Bình luận

Điểm tựa tin yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tối 15-10, khi chiếc xe cứu thương chở thi thể nạn nhân cuối cùng - chạy ra từ khu vực tìm kiếm những người gặp nạn tại Trạm bảo vệ rừng 67 (Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đã khép lại mọi hi vọng dù mong manh về một phép màu.
Xe cấp cứu chở thi thể các nạn nhân về Bệnh viện Quân y 268-TP. Huế.
Xe cấp cứu chở thi thể các nạn nhân về Bệnh viện Quân y 268-TP. Huế.
Thiên tai không còn là điều gì quá xa lạ. Tổn thất nhân mạng của mỗi mùa thiên tai không năm nào không có. Nhưng sự ra đi của những thành viên trong đoàn công tác này khiến mọi người đều bàng hoàng, đau xót.
Những người ngã xuống như thiếu tướng phó tư lệnh Nguyễn Văn Man, có mùa lụt bão nào lại không thấy ông trên chiếc canô xông xáo nơi đầu nguồn thác lũ? Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn của Bộ tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng), có sự cố khẩn cấp nào lại thiếu vắng ông?
Trên những thước phim vụ cứu hộ sập hầm ở Đạ Dâng (Lâm Đồng) mấy năm trước còn nóng hổi hình ảnh ông lăn lộn trên hiện trường chỉ huy việc giải cứu những công nhân đang kẹt trong đường hầm. 
Còn chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình, trên trang 1 số báo Tuổi Trẻ ra đúng ngày ông bị nạn 13-10-2020 là cảnh ông đang lội lụt trao quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đến người dân vùng ngập lũ quê hương. Và rất nhiều sĩ quan trẻ đầy năng lực và tận tụy của Quân khu 4, của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra đi…
Trong điều kiện đường sá sạt lở, suối thác cắt ngầm, cây cối gãy đổ đã cản lối bất cứ phương tiện cơ giới nào sử dụng để tiếp cận. 
Mây mù, mưa lớn, núi cao khuất tầm nhìn, trực thăng chuyên dụng không thể bay. "Chỉ có vì dân họ mới lên đường như thế!". Đó là câu nói của những người dân ở xã Phong Xuân đã chứng kiến hình ảnh đoàn công tác hành quân về phía núi trong chiều mưa mù mịt ngày 12-10 ấy.
Mấy hôm nay báo chí, truyền thông đã thông tin rất chi tiết về cuộc tìm kiếm. Ký ức về từng người, từng hoàn cảnh, từng số phận đã được cộng đồng chia sẻ. Là căn nhà cấp bốn ngấn nước của anh chủ tịch huyện, cái sự thật bình dị giữa trùng trùng thông tin về biệt phủ quan chức. 
Là câu chuyện anh lặn lội về với dân từ đầu mùa lũ, mẹ già nằm viện không kịp vào thăm. Là anh phóng viên tận tụy cảnh gà trống nuôi con, là người sĩ quan trẻ cưới vợ xong vẫn tá túc nhờ bên nhà ngoại…
Có ai trong chúng ta đã ít nhiều vơi đi niềm tin. Có ai trong chúng ta từng nghi ngờ sự tồn tại của lòng quả cảm… Câu chuyện về chuyến đi không về của 13 thành viên trong cánh rừng đầu nguồn sông Bồ đã trao lại cho chúng ta những niềm tin mà có lúc từng vơi đi ấy. Những vị kỷ toan tính có thể sẽ khác đi khi nghĩ đến hình ảnh người lính băng đi trong mưa gió.
Anh hùng là một danh hiệu để tưởng thưởng. Nhưng anh hùng cũng là những câu chuyện mang giá trị tự thân. 
Anh hùng là người mà khi từ giã trần gian, cuộc đời của họ lại được mang ra suy ngẫm như một điểm tựa tin yêu cho người ở lại. 
Chính vì thế mà trong khi mọi người vẫn đang chờ một công văn hay chỉ thị về một nghi lễ tưởng nhớ thì hôm qua, trước giờ học ở một ngôi trường tại Hà Tĩnh, những học sinh và thầy giáo đã đứng lên dành một phút mặc niệm những người lính đã hi sinh, những người dân đã thiệt mạng trong trận thiên tai.
Theo LÊ ĐỨC DỤC (TTO)

Có thể bạn quan tâm