(GLO)- Chuyện hay chuyện tốt không nói, đây là chuyện tan đàn xẻ nghé, nên cũng như nhiều người, người viết đôi hồi suy tư, cảm giác buồn tiếc. Cảm thông, chia sẻ phần nào trước hoàn cảnh của họ cũng là điều có thật. Ly hôn có gì là mới, kể cả với chính khách, đại gia hay bần hàn đói rách, người có tuổi hay son rỗi trẻ trung? Nhưng từ phát biểu của ông chủ cà phê Trung Nguyên tại phiên tòa, vô hình chung khơi dậy chủ đề “muôn năm cũ” thành mới, thời sự, “nóng” lên. Vì sao như vậy?
Theo dõi thấy luồng dư luận quan tâm đầu tiên hướng vào phiên tòa, quá trình làm việc của hội đồng xét xử, phát biểu của thẩm phán, luật sư, đối chất của vợ chồng đương sự …Và nội dung tranh chấp "tiền“, tài sản xoáy sâu ở phát ngôn của Đặng Lê Nguyên Vũ: ”Tiền nhiều làm gì để hôm nay ngồi đây” ( tại tòa án- NV). Tôi nghĩ một người làm ra tiền chính đáng thì cũng đồng thời ý thức giá trị của nó, tức là mồ hôi, công sức đóng góp, trước khi vì những mục đích: đòi hỏi phần hơn, thể hiện bản thân, để càng giàu thêm, để thỏa mãn cơn tức giận, để tài sản bớt bị phân tán- nếu có, v.v…
Vụ ly hôn đình đám giữa hai vợ chồng ông chủ Cà phê Trung Nguyên sẽ sớm khép lại. Ảnh: Infonet |
Vấn đề cũ, chủ đề cũ nhưng dư luận sôi nổi bàn luận, đúc kết nhiều bài học quý, theo người viết là cần thiết, vì những lý do sau đây:
Một là từ sự việc Trung Nguyên, luôn cần thiết nhận chân vai trò, tác động của đồng tiền trong cuộc sống, nhất là trong cơ chế thị trường nhiều biến động hiện nay mà đồng tiền rất dễ làm tha hóa, làm băng hoại đạo đức con người. Mặt trái này của đồng tiền, H.Balzac đã không thương tiếc đả kích, chê bai, phản bác và cũng cay đắng cảm thán, đại loại: đồng tiền là con đĩ có thể lăn tròn trên lương tâm của nhân loại ! Tác động mặt trái đồng tiền không chừa một ai, một tổ chức nào nếu lơ là cảnh giác trước ma lực của nó. Vậy nhưng thế gian chưa bao giờ bảo rằng, sống mà không cần tiền. Thậm chí, tiền rất cần, rất quan trọng. Vì có tiền ông chủ Trung Nguyên mới thỏa đam mê bay bỗng, chơi siêu xe; để sinh viên trang trải chi phí sinh hoạt, học hành; chiếc bánh mì đỡ lòng cơn đói ai đó; để người làm từ thiện thỏa mãn; để người chí hướng đóng góp vì cộng đồng, chinh phục tự nhiên…Vấn đề là đừng để tiền biến mình thành ngu muội, tối tăm, kệch cỡm. Điều này, cả xã hội “thông thái” nhưng trên thực tế, không ít kẻ sa vào, chôn chân, không có đường ra. Đâu ít gương tày liếp thế thái nhân tình đảo điên chung quy cũng chỉ vì lợi quyền, tiền tài, vật chất, nói theo nghĩa triết học là dục vọng vô bờ bến. Những đại án nhiều ngàn tỷ đồng đắp chiếu gây thất thoát, lãng phí do tham nhũng, tiêu cực hiện vẫn còn nhức nhối. Không ít cán bộ cả ở cấp cao trở thành “cũi” tươi/ khô đã và sẽ tiếp tục vào “lò” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang hồi quyết liệt. Rồi cũng vì tiền tài, vật chất mà vợ chồng, cha con, anh em, bè bạn… hành xử tán tận lương tâm, không từ một âm mưu thủ đoạn nào.
Thấy được mặt trái của đồng tiền chẳng những giúp con người phân biệt đồng tiền sạch, chính đáng với đồng tiền dơ, phi lý mà còn xây dựng nên ý thức tiết kiệm, cách ứng xử phù hợp, đúng mực với nó. Phần lớn tỷ phú trên thế giới này đều xài tiền khôn ngoan, nguyên tắc, đều có đức tính tốt là tiết kiệm. Làm ra tiền, thậm chí nhiều tiền ( đồng tiền đàng hoàng) đã khó nhưng sử dụng nó như thế nào cho “đáng đồng tiền bát gạo” lại càng khó hơn. Một xã hội còn chiếm tỷ lệ đa số thu nhập trung bình, còn vất vả xóa đói giảm nghèo, chủ trương xã hội hóa công tác từ thiện nhân đạo, thì kêu gọi và hình thành văn hóa tiêu tiền tiết kiệm, hợp lý là phương châm không chỉ với người có tiền, người lãnh đạo và quản lý, giám sát xã hội mà phải của mỗi một cá nhân. Và lãng phí, tiêu cực, “ ném tiền qua cửa sổ”, bất chấp dư luận “ăn trên ngồi trốc” bỏ mặc đồng loại cơ hàn, đói rách vốn cần được cưu mang giúp đỡ là hành động tán tận lương tâm, phải bị lên án. Để hình thành cho được văn hóa tiêu tiền như thế, người viết nghĩ chúng ta còn phải phấn đấu gian nan và cần nhiều thời gian lắm!
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong vòng vây của phóng viên báo chí trong chiều 25.2. Ảnh: Dân Việt |
Phát biểu, cảm nhận, chia sẻ của nhiều thức giả, chuyên gia, nhất là giới có ảnh hưởng lớn đến công chúng trẻ tuổi (về vụ ly hôn này) thể hiện sự bình tĩnh, chín chắn, trưởng thành, trước tiên là trong quan niệm về tiền, quan hệ tiền- hạnh phúc, hôn nhân gia đình, sự nghiệp…Đây là điều đáng mừng khác với thói ích kỷ, thực dụng, chạy theo đồng tiền, coi tiền là cứu cánh còn đang tràn lan trong xã hội, để ta thêm tin yêu người trẻ học tập, lao động, làm ra tiền và sử dụng nó có ích như thế nào, cũng là để thể hiện bản lĩnh của họ trong cuộc sống. Đây là điều cực kỳ quan trọng, chi phối suy nghĩ, tình cảm, hành động, lối sống và trên hết là nhân cách của một con người.
Bởi, trên đời này tiền bạc quan trọng nhưng chưa và không bao giờ là tất cả! Còn danh dự, nhân cách, sức khỏe, tính mạng con người…những thứ mà không có tiền bạc, tài sản nào có thể mua được, thay thế được! Trước 10 triệu đồng người nhà nghi phạm gom góp để gia đình mai táng người xấu số ( trong vụ án cha đùa giỡn với con, vì một tiếng tri hô oan nghiệt mà thiệt mạng tại Đức Hòa- Long An mới đây), thì câu hỏi đớn đau của dì nạn nhân:”Tiền bạc làm gì, người chết có sống lại được đâu…” khác gì kim châm muối xát vào lòng chẳng phải chỉ với người trong cuộc, trước sự thật phũ phàng và nỗi lo bất an xã hội. Chúng ta cũng có thể liên lệ với những tàn dư, thói hư tật xấu, tệ nạn tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức quyền làm điều phạm pháp liên quan đến quyền lực, tiền bạc, vật chất mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết liệt đấu tranh ngăn chặn. Chẳng phải một đại biểu tỉnh Nghệ An từng làm nóng diễn đàn Quốc hội khi không ngại chỉ ra sự xuống cấp đạo đức xã hội, ao ước kinh tế phát triển như ngày nay nhưng đạo đức trở lại như ngày xưa!
Ý thức điều cảnh báo, chúng ta không hoang mang, mất niềm tin vào cuộc sống, tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình mà bình tĩnh hơn trước vòng xoáy ma trận vật chất, đồng tiền. Để có suy nghĩ và lựa chọn hành động đúng đắn, củng cố những điều tốt đẹp, những giá trị do cuộc đời mang lại.
Thất Sơn