Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Đức Cơ chú trọng giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục tiêu trung bình mỗi năm giảm từ 3,5% hộ nghèo trở lên, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tập trung lồng ghép các chương trình, dự án nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Đức Cơ, gia đình anh Rơ Châm Tép (làng Grôn, xã Ia Kriêng) đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay, gia đình anh sở hữu gần 1.000 cây cà phê, 1,5 ha điều, 1,5 ha cao su. Mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Anh Tép trở thành điển hình trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo ở xã Ia Kriêng.  

 Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đức Cơ được hỗ trợ bằng nhiều hình thức để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nghi Khang
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đức Cơ được hỗ trợ bằng nhiều hình thức để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nghi Khang


Bà Rơ Châm H'Thanh-Bí thư Đảng ủy xã Ia Kriêng-cho hay: “Toàn xã có gần 1.370 hộ, trong đó, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Người dân chủ yếu trồng cà phê, điều và cao su. Thời gian qua, Đảng ủy xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác giúp hội viên vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, xã tổ chức cho các hộ nghèo tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả để học tập kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều hộ đã từng bước ổn định, có hộ trở nên khá giả”.

Anh Bưng (làng Yit Rông 2, xã Ia Din) cũng là điển hình trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Cách đây hơn 3 năm, tôi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên. Tôi dùng số vốn này để mua bò và đầu tư trồng cà phê, điều. Bên cạnh đó, tôi còn được Đoàn Thanh niên xã hỗ trợ 3 con heo giống”-anh Bưng cho biết.

Nhờ tinh thần ham học hỏi, cần cù chịu khó, sau 3 năm, anh đã trả hết số vốn vay và mở rộng quy mô sản xuất. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập 150 triệu đồng. Hay ở làng Chan (xã Ia Pnôn), ai cũng nể phục chị Rơ Chăm HRip bởi tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo. Năm 2016, khi vay 50 triệu đồng từ nguồn quỹ của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, chị mua 4 con bò về nuôi. Hiện nay, đàn bò đã phát triển lên 20 con. Chị chia sẻ: “Khi bắt đầu có thu nhập từ chăn nuôi bò, tôi đầu tư trồng hơn 700 cây cao su và gần 2 ha điều. Đến nay, thu nhập ổn định từ đàn bò, cao su và điều đã giúp tôi xây được căn nhà khang trang, con cái có điều kiện học hành đầy đủ”.  

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã vận động hội viên cải tạo vườn, triển khai nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp đỡ hàng trăm hội viên thoát nghèo; Hội Cựu chiến binh tuyên truyền, phổ biến cho hội viên các phương thức sản xuất, sử dụng vốn vay để phấn đấu thoát nghèo bền vững; Hội Liên hiệp phụ nữ đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn làm ăn; Đoàn Thanh niên vận động các cấp giúp đỡ hộ nghèo, truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh niên về học nghề và lập nghiệp... Nhờ vậy, đến cuối năm 2021, toàn huyện giảm còn gần 3.000 hộ nghèo (chiếm 15,2%), trong đó có hơn 2.600 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trao đổi với P.V, ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: “Với mục tiêu trung bình mỗi năm giảm từ 3,5% hộ nghèo trở lên, riêng trong vùng dân tộc thiểu số giảm từ 7% trở lên, huyện tập trung lồng ghép các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025) nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững. Trong đó, chú trọng giảm số thôn, làng đặc biệt khó khăn với các chương trình cụ thể về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”.

 

 NGHI KHANG
 

Có thể bạn quan tâm