Thời sự - Bình luận

Đừng coi xăng dầu là 'gà đẻ trứng vàng'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tại sao phải nói như vậy? Bởi việc cơ quan quản lý coi xăng dầu là “cái gì” sẽ quyết định rất lớn đến việc điều hành chính sách đối với mặt hàng này.

Nếu coi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, chắc chắn việc giảm thuế để giảm giá mặt hàng này sẽ được tiến hành nhanh nhất, quyết liệt nhất có thể. Vì thiết yếu là không thể thiếu, là bắt buộc phải dùng nên việc giá tăng quá mạnh, quá nhanh và liên tục trong suốt thời gian qua đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến túi tiền của người dân cũng như chi phí vận hành của doanh nghiệp (DN), rộng hơn là sự phục hồi của nền kinh tế - mục tiêu lớn nhất của

Chính phủ trong giai đoạn 6 tháng cuối năm. Vì vậy, ưu tiên giảm giá xăng dầu sẽ và phải được đặt lên hàng đầu.

Ngược lại, nếu coi xăng dầu là “gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách, thì quan trọng nhất là thu càng nhiều càng tốt. Nhìn lại thì rõ ràng giá xăng dầu tăng như vũ bão vừa qua, ngân sách có lợi nhiều nhất. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu ngân sách từ dầu thô 6 tháng đầu năm tăng hơn 80% so với cùng kỳ. Cũng dễ hiểu, khi lập dự toán thu ngân sách vào tháng 10.2021, Bộ Tài chính dự kiến giá dầu thô xuất khẩu 60 USD/thùng nhưng nay giá dầu thô tại nhiều thời điểm đã cao gấp đôi, giúp thu ngân sách từ mặt hàng này tăng vọt. Chưa kể với tỷ lệ hơn 30% các loại thuế (tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng...) trong giá xăng thì việc xăng đang neo ở mức giá trên 32.000 đồng/lít hiện nay, thu ngân sách trên mỗi lít xăng bán ra cũng tăng mạnh so với năm trước. Thế nhưng khi nói đến giảm thuế cho xăng dầu, Bộ Tài chính lại chỉ đề cập đến phần ngân sách hụt đi bao nhiêu mà không tính toán cân đối với khoản bội thu từ dầu thô bù lại. Có lẽ vì thế, các đề xuất giảm thuế, phí cho xăng dầu từ đầu năm đến nay được bộ này đưa ra hết sức chậm trễ. Sau khi lần lữa mãi thì vào tuần trước, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu nhưng lại không đề xuất giải pháp để thực hiện sớm. Trong khi bộ này thừa biết, việc thay đổi mức thuế là thẩm quyền của Quốc hội và không ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết khi Quốc hội không họp. Mà đợi Quốc hội họp, phải tháng 10 tới, nghĩa là phải chờ thêm 3 tháng nữa.

3 tháng là một quãng thời gian rất dài, đặc biệt là đặt trong bối cảnh sức chịu đựng của người dân, DN đã chạm ngưỡng giới hạn. “Chạm ngưỡng” ở đây không hề là định tính, hãy nhìn sức khỏe của nền kinh tế qua một số lĩnh vực chủ chốt để thấy rõ điều này. Ví dụ như bất động sản, vừa là đầu ra, vừa là đầu vào của nhiều ngành sản xuất quan trọng, nhưng lại là lĩnh vực duy nhất giảm tăng trưởng tại TP.HCM trong nửa đầu năm nay. Ngành xây dựng, như thừa nhận của lãnh đạo hiệp hội ngành này, đang đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt công ty nhỏ và vừa, do giá vật liệu tăng quá cao. Du lịch, điểm sáng trong bức tranh kinh tế hiện nay với lượng du khách bùng nổ nhưng hầu hết các DN đang đối mặt với nghịch lý doanh thu tăng mà lợi nhuận giảm, thậm chí là lỗ nếu không khéo vun vén. Các hãng hàng không nội địa vẫn lỗ trăm tỉ đồng mỗi tháng dù lượng khách đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Với người dân, bão giá đã quét tới mâm cơm của nhiều hộ gia đình khiến họ chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu...

Trong bối cảnh này, giảm giá xăng dầu để hỗ trợ người dân, DN phải được đặt lên hàng đầu nếu chúng ta thực sự muốn kinh tế 6 tháng cuối năm phục hồi mạnh mẽ như mục tiêu đề ra.

 

Theo NIÊN AN (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm