Thời sự - Bình luận

Đừng để người Việt chưa giàu đã già!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có gần 70% dân số bước vào tuổi lao động mỗi năm.

Đây được xem là cơ hội thuận lợi để lực lượng lao động đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng triệt để cơ hội này, hạn chế thấp nhất tác động của tình trạng già hóa dân số, tạo ra những bước tiến mang tính đột phá đưa đất nước phát triển là vấn đề cần phải quan tâm.

Ảnh: Internet

Dân số Việt Nam vừa cán mốc 100 triệu người. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) đến cuối năm 2023 chiếm khoảng 67,5%. Đây được gọi là thời kỳ “dân số vàng” của đất nước với khoảng 1,5-1,6 triệu người bước vào tuổi lao động mỗi năm.

Tuổi thọ của người Việt sau nửa thế kỷ đã tăng từ 40 (năm 1960) lên 73,7 (năm 2023) và sẽ còn tăng hơn nữa trong vài ba thập kỷ tới. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam cũng có bước cải thiện đáng kể. Chiều cao trung bình của thanh niên sau 30 năm tăng thêm 6,6 cm, đạt 168,1 cm ở nam và 156,2 cm ở nữ (năm 2020).

Được biết, cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài khoảng 30-35 năm, thậm chí là 40-50 năm. Đồng nghĩa với chừng ấy thời gian, chúng ta có lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Nhiều quốc gia châu Á tận dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” đã tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đối với Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong gần 30 năm qua.

Thực tế cho thấy, cơ hội “dân số vàng” không tự tác động tích cực mà nó phải được “giành lấy” để “đẻ” ra lực lượng “lao động vàng”, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nếu giai đoạn “dân số vàng” diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm nhận tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thì sẽ trở thành động lực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế.

Ngược lại, nếu cơ hội không được chớp lấy thì đất nước phải đối mặt với những thách thức mới. Mà trước tiên là lực lượng đông đảo trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, người thất nghiệp dễ mắc tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của đất nước. Như vậy, “dân số vàng” sẽ không có giá trị nếu không thực sự “vàng” về tri thức và tay nghề.

Đã qua rồi cái thời của lợi thế lao động giá rẻ. Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải khắc phục ngay sự thiếu hụt nguồn nhân lực có năng suất và hàm lượng công nghệ cao, nhất là đối với lực lượng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng...

Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7 năm nay cũng là dịp tròn 30 năm thực hiện Chương trình hành động về dân số và phát triển của Liên hợp quốc, Việt Nam chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, với phương châm tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư.

Cơ hội dân số chỉ tạo ra điều kiện, còn môi trường chính sách mới là yếu tố quyết định, cho phép tận dụng được cơ hội đó. Vì vậy, để tận dụng cơ hội “dân số vàng” rất cần những giải pháp mang tầm vĩ mô của Nhà nước. Nhưng trước hết, người lao động cần chủ động tạo ra giá trị tích lũy nhiều nhất có thể cho mình và xã hội bằng cách tích cực học tập và đào tạo.

Đừng để người Việt chưa giàu đã già. Hãy vượt qua thách thức của giai đoạn già hóa dân số bằng những chính sách thích ứng về phát triển mạng lưới y tế lão khoa và hệ thống an sinh xã hội. Đó cũng là truyền thống, là cách ứng xử văn minh của người Việt Nam-một dân tộc vốn trọng đạo lý, tình cảm gia đình, hiếu đạo với đấng sinh thành nói riêng và người cao tuổi nói chung.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 để đạt được các mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển. Vì vậy, cần gia tăng cơ hội sản xuất kinh doanh, thu hút người dân trong độ tuổi lao động làm việc, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xã hội tiêu cực do tình trạng thiếu việc làm gây ra để “dân số vàng” thực sự là cơ hội cho đất nước phát triển.

Có thể bạn quan tâm