Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh: Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 14-5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đak Nông, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Đak Nông tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh-Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc”. 
 Giao lưu với các nhân chứng lịch sử trong đêm nghệ thuật “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây-Giao điểm Trường Sơn”. Ảnh: H.M
Giao lưu với các nhân chứng lịch sử trong đêm nghệ thuật “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây-Giao điểm Trường Sơn”. Ảnh: H.M
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo nêu rõ, cách đây 60 năm, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Trong suốt 16 năm (1959-1975), các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn cùng lực lượng thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến và nhân dân các địa phương luôn nêu cao quyết tâm “đánh địch mà đi-mở đường mà tiến”, vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, đánh bại mọi thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của kẻ thù; tổ chức, xây dựng, bảo vệ tuyến đường chi viện chiến lược, vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. 
Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh thực sự trở thành nơi hội tụ sức mạnh của cả dân tộc, thể hiện ý chí, quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước. Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điều làm nên sự huyền thoại của tuyến đường này không chỉ là vai trò, đóng góp của con đường đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mà còn là biểu tượng của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa nhân dân 3 nước: Việt Nam-Lào-Campuchia, cùng chia ngọt sẻ bùi chống kẻ thù chung.
Riêng tại chiến trường Bắc Tây Nguyên, tháng 9-1959, tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã bắt đầu nhận được sự chi viện về người và vũ khí từ Trung ương. Ngày 1-10-1959, đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh Gia Lai-Kon Tum được thành lập với thành phần chủ yếu là thanh niên các dân tộc. Các huyện trên địa bàn cũng bắt đầu xây dựng lực lượng quân sự và Ban quân sự. Đến cuối năm 1960, phong trào cách mạng ở Gia Lai-Kon Tum đã phát triển. Với chiều dài trên 150 km, tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh qua địa bàn đã tạo điều kiện cho tỉnh Gia Lai-Kon Tum không ngừng mở rộng và phát triển hệ thống đường giao thông vận tải quân sự chiến dịch; mở rộng và củng cố vùng căn cứ tại chỗ theo yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến. Đến cuối năm 1972, vùng căn cứ cách mạng ở tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã hoàn chỉnh, nối liền với tỉnh Đak Lak và các tỉnh Duyên hải miền Trung, với 2 nước bạn Lào và Campuchia, tạo ra thế và lực mới để phát triển cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. 
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo-nhấn mạnh: Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019). Đây còn là dịp góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ; tinh thần đoàn kết toàn dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Hội thảo một lần nữa khẳng định và làm sáng tỏ quyết định đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược, mở đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, đưa sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam và các chiến trường khác. Thông qua hội thảo, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng mong muốn tạo ra sự thống nhất về nhận thức, góp phần đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, phản động, phủ nhận thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã giành được.
 HỒ MAI

Có thể bạn quan tâm