Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Gặp nữ du kích Anh hùng Kpă Ó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối tháng 8 vừa qua, đoàn cán bộ của Bảo tàng tỉnh có chuyến khảo sát, xác minh thông tin lập hồ sơ di tích “Địa điểm trận đánh tại thung lũng Ia Drăng” và “Chiến thắng cứ điểm 711” trên địa bàn huyện Chư Prông. Đây là những trận đánh vận động quan trọng góp phần làm nên chiến thắng Plei Me oanh liệt. Để có thêm thông tin liên quan đến 2 trận đánh này, sau khi khảo sát thực tế tại các địa điểm nói trên, chúng tôi tìm đến nhà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Ó ở làng Bạc 1, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông. 

 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Ó. Ảnh: Anh Minh
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Ó. Ảnh: Anh Minh

Ở tuổi xưa nay hiếm, mái tóc của Anh hùng Kpă Ó đã bạc trắng. Thế nhưng, bà vẫn nhớ rất rõ những câu chuyện thời kháng chiến. Nữ du kích anh hùng kể:

Bà sinh ra và lớn lên tại làng Bạc 1, xã Ia Phìn. Làng Bạc khi ấy loạn lạc lắm, bom đạn kẻ thù cướp đi mạng sống không biết bao nhiêu người. Dân làng ai cũng nghèo đói nhưng một lòng đi theo cách mạng. Bà con hăng hái đấu tranh chính trị chống địch dồn dân lập ấp chiến lược, đòi trở về làng cũ. Đứng trước phong trào đấu tranh chính trị đang lên cao, nhiều cán bộ cách mạng đã tìm cách vào sống hợp pháp cùng người dân trong ấp chiến lược để lãnh đạo quần chúng đấu tranh.

Câu chuyện Anh hùng Kpă Ó kể với chúng tôi nhiều khi chồng chéo nhau, tùy theo trí nhớ và cảm xúc của bà. Nữ anh hùng tâm sự, ngày đó, bà cầm súng chiến đấu là vì căm thù giặc, vì những bà con đã ngã xuống dưới họng súng của kẻ thù trong vụ thảm sát làng Bạc. Nhắc lại vụ thảm sát này, giọng bà bỗng trở nên trầm lắng, đôi mắt ngân ngấn lệ.

Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng người thân, bà con mình bị bắn giết, Kpă Ó căm hận Mỹ-ngụy đến tận cùng nên đã xin vào đội nữ du kích làng Bạc để đánh giặc. Khi đó, Kpă Ó nhỏ tuổi nhất đội. Nhờ sự dìu dắt của các chị trong đội nữ du kích làng Bạc, Kpă Ó tiến bộ nhanh chóng. Ngoài việc vót chông, làm bẫy, Kpă Ó đã biết cách gài mìn, sử dụng thành thạo súng và lựu đạn. Bằng sự mưu trí và dũng cảm, Kpă Ó đã bắn rơi máy bay trực thăng và diệt xe tăng địch. Bà hào hứng kể: “Mình đào đất, lấp mìn, lấy phân trâu bò để lên trên cho chúng khỏi nghi ngờ, sau đó dẫn dụ chúng đi vào. Xe tăng địch trúng mìn thì nổ tung”. Cùng với các nữ du kích làng Bạc, Kpă Ó đã trực tiếp tham gia nhiều trận chống càn, phá ấp. Do có nhiều thành tích đánh giặc nên năm 1973, Kpă Ó được cử đi dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Tại Đại hội, bà đã gặp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Klơng-người dân tộc Jrai cùng quê hương Chư Prông. Đến năm 1978, bà Kpă Ó vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đất nước đã sạch bóng thù, năm 1976, bà Kpă Ó trở về làng Bạc để xây dựng gia đình và kiến thiết quê hương. Năm 1979, theo chủ trương của Đảng bộ huyện, để thuận tiện cho việc sinh hoạt và phát triển kinh tế, bà đã vận động dân làng rời làng Bạc cũ ra lập làng mới ở gần tỉnh lộ 663, đó chính là làng Bạc 1 ngày nay. Trong công cuộc xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bà luôn luôn gương mẫu, kêu gọi dân làng tích cực tăng gia sản xuất. Nhờ đó, diện mạo làng Bạc 1 không ngừng đổi thay, đời sống người dân ngày càng no ấm.  

 

 NGUYỄN ANH MINH

Có thể bạn quan tâm