Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Gia Lai củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 ngày (30-9 và 1-10), đoàn cán bộ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Thị Lan-Phó Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với một số cơ quan, ban, ngành của tỉnh Gia Lai và huyện Chư Păh về công tác dân tộc, tôn giáo và mối quan hệ dân tộc-tôn giáo trên địa bàn.

Quan tâm đời sống của đồng bào các dân tộc, tôn giáo

Thông tin đến đoàn cán bộ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thái Bình cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 46,23% dân số, chủ yếu là người Jrai và Bahnar; có 14 tổ chức tôn giáo đang hoạt động với trên 400 ngàn tín đồ, 1 tổ chức được cấp đăng ký hoạt động với 334 người tin theo, 13 hệ phái Tin lành chưa được công nhận. Toàn tỉnh có 343 chức sắc, 1.583 chức việc, 510 nhà tu. Các hoạt động tôn giáo diễn ra tương đối ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật, theo đúng Hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đề ra và thực hiện theo phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành với dân tộc.

Các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện, 91 xã, 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 104 thôn, làng đồng bào DTTS). Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh còn 40.475 hộ nghèo DTTS (chiếm 25,58% tổng số hộ DTTS toàn tỉnh và chiếm 88,59% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh); 24.839 hộ cận nghèo DTTS (chiếm 15,7% tổng số hộ DTTS toàn tỉnh và chiếm 73,33% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh). Công tác bảo tàng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được quan tâm. 18 di tích liên quan đến đồng bào DTTS được xếp hạng và bảo vệ, chống xuống cấp; 456 hồ sơ di sản văn hóa truyền thống các DTTS được kiểm kê, sưu tầm; 91,9% thôn, làng, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. Các ngành, các địa phương đã và đang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, phục dựng một số nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.

 Đoàn cán bộ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với một số cơ quan, đơn vị của tỉnh. Ảnh: Anh Huy
Đoàn cán bộ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với một số cơ quan, đơn vị của tỉnh. Ảnh: Anh Huy


Trao đổi về công tác dân tộc, tôn giáo tại địa phương, ông Huỳnh Trọng Quang-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) cho hay: “Toàn xã có 4.761 người (chiếm 52% dân số) theo 3 tôn giáo chính. Các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và tín đồ trên địa bàn phấn khởi trước sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện trong công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ DTTS; tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự”. Trên địa bàn xã hiện duy trì 2 mô hình: “Làng an toàn không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại làng Bui; “Điểm chữa cháy công cộng làng Ea Lũh” nhằm phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo trong giữ gìn an ninh trật tự, phòng-chống cháy nổ.

Về hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng: Đồng bào có đạo thực hiện tốt phương châm sống “Tốt đời-đẹp đạo”, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 103/109 thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (đạt 94,5%); 15.707/20.100 gia đình đạt danh hiệu văn hóa (đạt 78%).

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách dân tộc, tôn giáo

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan, đơn vị đã trao đổi, thảo luận làm rõ thêm một số vấn đề mà đoàn cán bộ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quan tâm như: mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo; tác động của mối quan hệ dân tộc-tôn giáo đối với đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS và những vấn đề đặt ra hiện nay; tác động của chuyển đổi tôn giáo đến các mặt của đời sống xã hội; phát huy vai trò của tổ chức tôn giáo trong phát triển xã hội ở địa phương; vấn đề quan hệ quốc tế trong tôn giáo và dân tộc... Đồng thời, nêu lên một số khó khăn, bất cập trong công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn như: nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; số hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS còn cao; tình trạng khiếu kiện đất đai, xây dựng và cơi nới cơ sở tôn giáo trái pháp luật còn diễn ra; các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết...

Trên cơ sở đó, tỉnh kiến nghị với Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành nghiên cứu, hoàn thiện chủ trương, chính sách, tạo điều kiện để các tôn giáo tham gia đóng góp vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đồng bộ các quy định pháp luật về khai thác, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho rằng, tác động trong mối quan hệ dân tộc-tôn giáo hiện nay là bản sắc văn hóa truyền thống bị mai một; vai trò của già làng, người uy tín trong cộng đồng bị phai nhạt. Do đó, việc giải quyết tốt vấn đề dân tộc sẽ góp phần giải quyết tốt vấn đề tôn giáo và ngược lại.

Ông Ksor Trơn-Trưởng phòng Chính sách (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Số hộ DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cần được bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn tỉnh còn khá lớn. Do đó, đề nghị Trung ương có cơ chế tháo gỡ nhằm đảm bảo đời sống ổn định cho đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ đặc thù cho cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương và thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo. Bởi thực tế, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác dân tộc, tôn giáo tại cơ sở hiện khá mỏng, trong khi việc thu thập, phân tích các dữ liệu tại cơ sở rất quan trọng, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Từ thực tế khảo sát, nắm bắt tình hình, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Thị Lan nhìn nhận: “Chúng tôi rất phấn khởi vì công tác dân tộc, tôn giáo luôn được địa phương quan tâm và hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh phát triển theo xu hướng đồng hành cùng công tác dân tộc. Gia Lai là tỉnh thứ 3 trong 13 tỉnh, thành phố mà đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đi nghiên cứu thực tế. Đây sẽ là cơ sở hữu ích cho Học viện trong công tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ. Đặc biệt, đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi tổng hợp, nghiên cứu, củng cố luận cứ khoa học cho việc tham mưu xây dựng, hoạch định chủ trương, chính sách giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong thời gian tới”.

 

 ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm