Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Gia Lai: Học tập và làm theo Bác trở thành công việc thường xuyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh việc học tập và làm theo bằng những việc làm thiết thực. Hầu hết các địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung đột phá với các giải pháp cụ thể để chỉ đạo khắc phục những khâu yếu, mặt hạn chế, giải quyết những vấn đề còn bức xúc, nổi cộm ở đơn vị, địa phương.
Như tin đã đưa, sáng 27-9, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Học và làm theo Bác bằng nhiều việc thiết thực
Qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh việc học tập và làm theo bằng những việc làm thiết thực. Hầu hết các địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung đột phá với các giải pháp cụ thể để chỉ đạo khắc phục những khâu yếu, mặt hạn chế, giải quyết những vấn đề còn bức xúc, nổi cộm ở đơn vị, địa phương. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã nêu cao ý thức gương mẫu bằng những việc làm cụ thể; khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đẩy mạnh hơn việc xây dựng đoàn kết nội bộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn với công việc được giao.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trao Huy hiệu Bác Hồ cho các cá nhân điển hình tiên tiến.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trao Huy hiệu Bác Hồ cho các cá nhân điển hình tiên tiến. Ảnh: Đức Thụy    
Dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 tập thể, 2 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019. Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 21 tập thể, 26 cá nhân; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng giấy khen cho 10 tập thể, 23 cá nhân.

Là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê) suốt nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Huệ luôn gương mẫu đi đầu trong việc giúp đỡ các em học sinh nghèo và nâng cao chất lượng giáo dục. Cô Huệ cho biết: “Để duy trì sĩ số học sinh, trong năm học 2018-2019, nhà trường đã bố trí cho 46 học sinh dân tộc thiểu số ở trong khu tập thể của giáo viên. Con số này trong năm học 2019-2020 là 54 em”. Bên cạnh đó, cô Huệ cũng trực tiếp đi kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ tiền để cơi nới thêm 7 phòng phía sau các phòng ở, tạo không gian rộng rãi cho học sinh sinh hoạt... Những việc làm thiết thực đó đã tạo sức lan tỏa lớn trong nhà trường và đã có 2 giáo viên tự nguyện nhận đỡ đầu 2 học sinh nghèo học giỏi...
Việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ định kỳ và sinh hoạt chuyên đề được quan tâm, từ đó chất lượng sinh hoạt chi bộ đã có chuyển biến tích cực, ý thức tự giác rèn luyện của từng cán bộ, đảng viên được tăng cường. Tỷ lệ đảng viên chi bộ sinh hoạt định kỳ bình quân đạt 85% trở lên; chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc nâng cao, chi bộ xếp loại tốt chiếm 55,7%, khá chiếm 39,7% và chỉ còn 4,45% đạt trung bình, kém. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lồng ghép với tuyên truyền đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước bằng các hình thức phù hợp. Điển hình như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức các cuộc thi, hội thi, biên tập và phát hành các tài liệu giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng nghiên cứu, triển khai thực hiện; Báo Gia Lai và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh duy trì các chuyên trang, chuyên mục, các ấn phẩm tuyên truyền về thực hiện Chỉ thị 05 và tuyên truyền về những điển hình tiêu biểu... Những việc làm trên đã tạo sức lan tỏa, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thiết thực, gần gũi, sâu sát với đời sống xã hội.
Chị Hà Thị Giang Thảo-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai-thông tin: Qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, Đoàn Thanh niên các cấp đã triển khai thực hiện 806 công trình, phần việc thanh niên với tổng trị giá trên 23,2 tỷ đồng. Mỗi công trình, phần việc là sự nỗ lực, sáng tạo của đoàn viên, thanh thiếu nhi, góp phần giải quyết những nhu cầu thiết thân của người dân, tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương. Các hoạt động đã góp phần tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên, thanh niên tham gia rèn luyện, học tập và làm theo Bác thiết thực, hiệu quả, đồng thời nâng cao khả năng đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Quan tâm chăm lo đời sống nhân dân
Báo cáo tại hội nghị nhấn mạnh, qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; quốc phòng-an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và tăng cường. Đến nay, nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức khá cao (giai đoạn 2016-2018 tăng trưởng đạt 7,76%). Hàng trăm công trình thủy lợi, thủy điện và các cụm-khu công nghiệp được đầu tư; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới; TP. Pleiku và thị xã An Khê được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể. Ảnh: Đức Thụy
Đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể. Ảnh: Đức Thụy
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội của tỉnh cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt đã có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 19,71% (năm 2015) xuống còn 10,04% (năm 2018). Bà Nông Thị Danh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tơ Tung (huyện Kbang) chia sẻ: “Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ 41,42% (năm 2014) xuống còn 12,86% (năm 2018). Đặc biệt, người dân không chỉ giúp nhau lao động sản xuất mà còn tự nguyện góp tiền, góp công, hiến đất để xây dựng nông thôn mới. Toàn xã đã có 66 hộ dân tự nguyện hiến 10.486 m2 đất để làm hội trường nhà văn hóa thôn, đường giao thông; góp trên 16.000 ngày công để khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh, làm tường rào... từng bước xây dựng nông thôn mới”.
Song song với công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách, dành sự chăm sóc ân tình, trách nhiệm đối với các thương-bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Phong trào xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc thương-bệnh binh nặng, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... đã trở thành việc làm thường xuyên, nét đẹp truyền thống của mỗi cấp, ngành, đoàn thể, cộng đồng dân cư.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Những kết quả đạt được nói trên đã thể hiện sự nỗ lực phấn đấu, ý thức tự giác của nhiều tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời là nguồn lực tinh thần mạnh mẽ để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp sớm có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng trở thành việc làm thường xuyên, tự giác và mang lại nhiều kết quả thiết thực hơn. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị tiếp tục chỉ đạo, lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, những vấn đề bức xúc, vụ việc nổi cộm nảy sinh ở địa phương, đơn vị, nhất là những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm; tiếp tục đổi mới phương pháp và hình thức để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và toàn xã hội về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú ý phát hiện, biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm