Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) là doanh nghiệp xuất khẩu chuối với khối lượng lớn. Đến nay, Công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu chuối già lùn Nam Mỹ rộng hơn 400 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Mỗi năm, Công ty xuất khoảng 20 ngàn tấn sản phẩm. Ông Trương Thành Trọng-Phó Giám đốc Công ty-cho hay: “Hiện nay, khoảng 80% sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty là đi Hàn Quốc, còn lại là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản… Trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt khoảng 3,5 triệu USD. Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 22-23 ngàn tấn sản phẩm, tương đương kim ngạch khoảng 15 triệu USD. Công ty đã khai thác được một số thị trường mới. Vì vậy, để chủ động về sản lượng, Công ty dự định tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng”.
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-thông tin: Những năm qua, huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, liên kết sản xuất bền vững nên năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thực hiện đề án phát triển cây ăn quả, huyện đang tập trung phát triển 3 loại cây chủ lực để hướng đến xuất khẩu gồm: chanh dây, sầu riêng, chuối. Hiện sản phẩm chuối trên địa bàn đã xuất khẩu sang nhiều nước, còn mặt hàng chanh dây xuất khẩu đi châu Âu. Trong các loại cây trồng chủ lực thì sầu riêng đang phát triển mạnh. Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung và được cấp 4 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 60 ha.
Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp cây ăn trái Tây Nguyên-cho biết: “Theo nhận định, nhu cầu thị trường quốc tế và trong nước ngày càng lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã bắt đầu sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm và đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Hợp tác xã đang sản xuất chanh dây xuất đi châu Âu và Trung Quốc. Đối với sản phẩm chanh dây tươi, hiện nay, nhiều đơn vị đang xuất khẩu qua châu Âu bằng đường hàng không nên không thể cạnh tranh với sản phẩm từ Nam Mỹ. Chính vì thế, Hợp tác xã đã nghiên cứu phương pháp kéo dài thời gian bảo quản quả chanh dây, đảm bảo vận chuyển bằng đường biển, giải quyết bài toán logistics cho sản phẩm chanh dây, từ đó tạo lợi thế nhất định để đi vào thị trường châu Âu”.
Cũng theo ông Lâm, Việt Nam đã ký kết giao thương với nhiều nước. Đây là cơ hội cho người nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị nông sản. Cùng với mặt hàng chanh dây, Hợp tác xã đang đẩy mạnh sản xuất sầu riêng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây cũng là mặt hàng thế mạnh, có dư địa tăng trưởng lớn trong thời gian tới.
Bên cạnh chanh dây, sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường. Ngoài ra, bưởi da xanh cũng được ưa chuộng tại thị trường EU, Trung Đông, Trung Quốc… Đây là cơ hội rất lớn để tỉnh đa dạng mặt hàng cây ăn quả tươi xuất khẩu.
Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 32.000 ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 560.000 tấn. Một số loại cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế cao như chuối, sầu riêng, chanh dây đang phát triển mạnh về quy mô diện tích và đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 57 doanh nghiệp và 43 hợp tác xã đầu tư liên kết phát triển cây ăn quả với diện tích hơn 10.706 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 225 mã số vùng trồng với diện tích trên 9.634 ha và 35 mã số cơ sở đóng gói với công suất khoảng 1.445-1.595 tấn quả tươi/ngày, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, New Zealand, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…
Qua khảo sát, đánh giá, phần lớn các địa phương trong tỉnh đều trồng được các loại cây ăn quả đặc sản như: sầu riêng, bơ, mít, xoài, na, thanh long, bưởi da xanh, chanh dây, chuối, dứa… Những năm qua, tỉnh đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn và liên kết phát triển diện tích cây ăn quả chất lượng cao, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất như: tưới tiết kiệm, giám định bệnh vi rút, bảo quản trái cây bằng màng MAP, công nghệ xử lý hơi nước nóng cho trái cây...
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-đánh giá: Ngoài cà phê thì trái cây là mặt hàng mới nổi trong khoảng 3 năm trở lại đây, mang về kim ngạch xuất khẩu 120-150 triệu USD/năm. Trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng trái cây lớn như: Hưng Sơn, DOVECO, Nafoods... Ngoài sản phẩm trái cây qua chế biến thì một số loại trái tươi như: sầu riêng, chuối, chanh dây… đã đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu theo con đường chính ngạch vào các thị trường lớn trên thế giới, trong đó có cả thị trường khó tính như: châu Âu, Nhật Bản. Đặc biệt, Việt Nam đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội để hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định một cách rõ ràng, minh bạch, mở ra con đường xuất khẩu chính ngạch đối với sản phẩm chanh dây, sầu riêng, chuối…
“Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm quốc tế, kết nối giao thương ở nước ngoài; nâng cao hiệu quả công tác thông tin về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chú trọng các quốc gia tham gia Hiệp định CPTPP, EVFTA”-ông Binh cho biết thêm.