Multimedia

Emagazine

Infographic Người âm thầm sưu tầm các dòng gốm cổ

Bắt đầu sưu tầm đồ cổ từ năm 2011, đến nay, bộ sưu tập của anh Lê Tấn Khoang có tới hàng chục ngàn hiện vật, trong đó chiếm 90% là đồ gốm sứ. Trong khuôn viên ngôi nhà của anh, nhìn đâu cũng thấy gốm. Ngay cả những món đồ bị vỡ, nhà sưu tầm sinh năm 1979 này cũng không nỡ bỏ đi mà tận dụng để làm chậu trồng cây, nhất là các loại cây xương rồng

Anh Khoang cho biết: Cách đây vài năm, anh đăng ký cố định là 18 ngàn hiện vật (không mua bán, trao đổi), chưa kể hàng ngàn hiện vật không cố định (có thể nhượng lại, trao đổi). Nếu so sánh với số lượng hiện vật của Bảo tàng tỉnh hiện có là khoảng 12 ngàn thì bộ sưu tập của anh Khoang đủ để mở một bảo tàng tư nhân.

Sưu tầm nhiều dòng gốm của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, nhưng anh Khoang dành tình cảm đặc biệt đối với các dòng gốm cổ của Việt Nam. Từ dòng gốm gắn với sự phát triển rực rỡ của văn hoá Champa như gốm Bàu Trúc (Bình Thuận), Gò Sành (Bình Định) đến các dòng gốm phát triển muộn hơn nhưng vang danh không kém như gốm Quảng Đức (Phú Yên), Châu Ổ (Quảng Ngãi), Thanh Hà (Quảng Nam). Đặc biệt là gốm Cây Mai nổi lên ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn vào đầu thế kỷ XIX và tiếp nối là sự xuất hiện của gốm Lái Thiêu (Bình Dương) kế thừa tinh hoa của dòng gốm này.

Nhà sưu tầm Lê Tấn Khoang cho biết, mỗi dòng gốm có vẻ đẹp, sắc thái riêng, thể hiện tính địa phương rất rõ. Được làm thủ công bởi những nghệ nhân tài hoa nên anh luôn cảm nhận được sự nồng ấm của gốm. Đó không phải là cái ấm do sức nóng của nước và lửa để tạo ra gốm, mà là sự ấm áp của đôi tay và tâm hồn của nghệ nhân. Đó cũng là điều khiến anh càng sưu tầm thì càng trân quý công lao của các nghệ nhân.

Nhà sưu tầm Lê Tấn Khoang đã không ít lần bị vợ "doạ bỏ" vì thú chơi tốn kém. Vợ anh-chị Trần Thị Kim Thảo tâm sự: "Người ta chỉ cần mua vài món, cùng lắm là vài chục món đồ gốm cũng gọi là thú chơi, đã thấy tốn kém. Còn anh Khoang mua tới hàng ngàn, hàng chục ngàn hiện vật. Có thời gian khó khăn, vợ chồng đôi lúc "cơm không lành" vì thú chơi tốn kém này. Nhưng rồi, mỗi lần giúp chồng lau chùi, nâng niu từng hiện vật gốm trên tay, nhìn ngắm những hình vẽ, những câu chuyện trên đồ gốm thì tôi cũng mê gốm lúc nào không hay".

Tuy vậy, nhà sưu tầm này đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm lan toả giá trị bộ sưu tập cá nhân như tham gia trưng bày, hiến tặng một số hiện vật cho bảo tàng các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Bình, Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu (huyện Đak Đoa).

Có thể bạn quan tâm