Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Gia Lai nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Để triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, những năm qua, Ban Tôn giáo tỉnh đã giúp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo tại địa phương, triển khai các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng tôn giáo, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định. Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao của các tổ chức tôn giáo và đồng bào theo đạo trong thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. 
Ông Văn Bá Định-Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Đức Cơ-cho biết: “Trên địa bàn huyện có 3 tôn giáo chính gồm Tin lành thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam, Phật giáo, Công giáo và một số hệ phái Tin lành khác. Phòng Nội vụ đã triển khai phổ biến các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, tham mưu giúp UBND huyện và phối hợp với cấp thẩm quyền giải quyết cho các tổ chức tôn giáo đăng ký thuyên chuyển, bầu cử, đào tạo bồi dưỡng cho chức sắc, tu sĩ tôn giáo, xây dựng cơ sở thờ tự cũng như các nội dung khác liên quan trong hoạt động tôn giáo theo đúng pháp luật”.
Cán bộ huyện Chư Pưh trao đổi thông tin chính sách, pháp luật về tôn giáo cho giáo dân tại Giáo xứ Phú Nhơn (huyện Chư Pưh). Ảnh: Thanh Nhật
Cán bộ huyện Chư Pưh trao đổi thông tin chính sách, pháp luật về tôn giáo cho giáo dân tại Giáo xứ Phú Nhơn (huyện Chư Pưh). Ảnh: Thanh Nhật
Giáo xứ Plei Chuét có đông đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo với hơn 1.500 giáo dân sinh sống tại các làng thuộc xã Chư Á, An Phú và phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) cùng một số xã vùng phụ cận thuộc huyện Đak Đoa. Ông Y Yới-thành viên Ban chức việc Giáo xứ Plei Chuét-cho hay: “Cấp ủy Đảng, chính quyền và MTTQ địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động tôn giáo, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người theo đạo. Bà con tin tưởng, chấp hành các quy định pháp luật trong sinh hoạt tôn giáo, yên tâm chăm lo làm ăn ổn định đời sống và tích cực tham gia các hoạt động do địa phương triển khai”. Còn ông Đỗ Ngọc Anh ở Giáo xứ Mẹ vô nhiễm (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thì bày tỏ: “Là một giáo dân, tôi thấy việc sinh hoạt đạo ngày càng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ Giáo xứ làm tốt việc tổ chức các lễ trọng hàng năm và giữ gìn an ninh trật tự trong các dịp lễ”.
Theo ông Hồ Hải Tần-Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh, triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Ban đã tham mưu giúp UBND tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Đồng thời, tham mưu giúp UBND tỉnh giải quyết cũng như trực tiếp giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo theo quy định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân. 
Chức việc đạo Tin lành tham dự hội nghị phổ biến pháp luật về tôn giáo. Ảnh: Thanh Nhật
Chức việc đạo Tin lành tham dự hội nghị phổ biến pháp luật về tôn giáo. Ảnh: Thanh Nhật
Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo tỉnh còn phối hợp với các ngành liên quan đề ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo. Cụ thể là phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo theo đúng quy định của Luật Đất đai, giải quyết kịp thời các thủ tục nhà đất liên quan tổ chức tôn giáo, đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở thờ tự của các tôn giáo theo quy định pháp luật. Đặc biệt, những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động ổn định.
Trao đổi với P.V, mục sư Siu Tum-Ủy viên Ban Trị sự Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam phụ trách mục vụ tại tỉnh Gia Lai-khẳng định: “Chúng tôi rất phấn khởi vì chính quyền và các ban, ngành địa phương đã tạo điều kiện cho các hoạt động của Hội thánh và Ban Đại diện Tin lành tỉnh”.
Toàn tỉnh hiện có 5 tôn giáo được Nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và đạo Baha’i. Tổng số tín đồ hiện có 381.490 người, chiếm khoảng 25% dân số toàn tỉnh. Chức sắc và chức việc hơn 2.600 người, trong đó có hơn 640 vị chức sắc trong các tôn giáo.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm