E-magazine Gia Lai tăng tốc "phủ sóng" bảo hiểm y tế toàn dân-Kỳ 1: Tấm thẻ nhỏ, lợi ích lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 
 

Ngày 11-6 vừa qua, trong lúc phụ hồ, anh Phạm Ngọc Tuân (SN 1992, ở trọ tại phường Trà Bá, TP. Pleiku) chẳng may gặp tai nạn khiến chấn thương cột sống phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Do không có BHYT nên gia đình phải trả toàn bộ chi phí điều trị, phẫu thuật tổng cộng gần 100 triệu đồng. Hoàn cảnh vốn đã khó khăn, nay chẳng may gặp nạn khiến gia đình càng thêm khốn khó.

 

Hơn 4 năm nay, bà La Thị Nga (làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đều đặn 3 lần/tuần đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh chạy thận. “Lúc phát hiện mình bị suy thận, tôi không có BHYT nên phải chi trả hoàn toàn chi phí khám-chữa bệnh. Trung bình một lần chạy thận hết hơn 1 triệu đồng, chưa kể tiền ăn ở, đi lại. Chỉ hơn 1 năm mà gia đình tôi suy kiệt, của cải bán dần để chữa bệnh, trở thành hộ nghèo. Sau khi mua BHYT thì gia đình giảm bớt gánh nặng chữa bệnh cho tôi”-bà Nga kể.

 

Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân không có BHYT trong khi bệnh nặng, chi phí điều trị cao, nhiều gia đình không có khả năng chi trả. Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) chia sẻ: Mới đây, Khoa tiếp nhận điều trị bệnh nhi 14 tuổi ở xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh. Bệnh nhi bị tai nạn giao thông đã cấp cứu điều trị 2 tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

Theo bác sĩ Trang, bệnh nhân không tham gia BHYT một phần là do nhận thức chưa đầy đủ, khi ốm đau mới vội vã mua thẻ BHYT; một phần do trước đây họ được Nhà nước cấp thẻ BHYT nay hết được hỗ trợ nhưng vẫn mang tâm lý trông chờ. “Bệnh nhân không có BHYT không chỉ gây gánh nặng cho gia đình khi phải chi trả chi phí điều trị lớn mà còn gây khó khăn cho y-bác sĩ trong quá trình điều trị, ra y lệnh và mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân nói chung”-bác sĩ Trang nói.

 

Những năm qua, công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được các cấp chính quyền quan tâm triển khai, góp phần đưa chính sách này đến với người dân. Qua đó, nhiều người dân đã hiểu ra quyền lợi thiết thực khi tham gia BHYT và chủ động tham gia. 

Bà Trần Thị Nhung (tổ 3, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho hay: Hiểu rõ tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, bà đã mua BHYT nhiều năm nay. “Lúc mình mạnh khỏe không nói, chứ khi ốm đau, bệnh nặng thì mới thấy giá trị của tấm thẻ này. Vậy nên mọi người cần chủ động tham gia BHYT, bởi đây là việc làm hết sức cần thiết”-bà Nhung bày tỏ. Tương tự, gia đình ông Nông Văn Lộc (thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) cũng tham gia BHYT hộ gia đình hơn 5 năm nay. Ông Lộc thổ lộ: “Cả nhà tôi đều tham gia BHYT thường xuyên chứ không đợi khi ốm đau mới mua. Các con tôi có người cả năm chẳng đi khám-chữa bệnh BHYT nhưng vẫn mua để chia sẻ với những người không may ốm đau, bệnh tật”. 

 

Tự giác tham gia BHYT nhiều năm qua, bà Trần Thị Minh (làng Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) luôn tâm niệm mua BHYT lúc lành để dành khi đau ốm. Theo bà, cả nhà 4 người mua BHYT theo hộ gia đình được giảm chi phí chỉ còn hơn 2 triệu đồng/năm là không lớn. Vì vậy, đều đặn hàng năm, khi thẻ BHYT hết hạn, bà lại tiếp tục gia hạn. Cũng nhờ chủ động tham gia BHYT nên 2 năm qua, người thân liên tục ốm đau nằm viện nhưng gia đình bà không phải chịu nhiều áp lực về viện phí.

 

Theo bà Minh, mua BHYT lúc khỏe mạnh để phòng khi đau ốm rất quan trọng. Mọi người cần chủ động tham gia để được chăm sóc sức khỏe, bớt gánh nặng chi phí khi nằm viện”-bà Minh chia sẻ.

Mặc dù lợi ích của việc tham gia BHYT là rất lớn nhưng do một số nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người dân trên địa bàn tỉnh chưa tham gia. Năm 2021, sau khi triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có hơn 271 ngàn người bị tác động, thôi hưởng chính sách hỗ trợ BHYT, khiến tỷ lệ tham gia BHYT của tỉnh từ 90,17% giảm xuống còn 73,17% (so với thời điểm ngày 30-6-2021). Với quyết tâm nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp, huy động sự vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể để chung tay dệt lưới an sinh.

 

Tính đến hết tháng 8-2022, toàn tỉnh có 1.255.422 người tham gia BHYT, chiếm 83,4% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang), tăng khoảng 5,9% (tương ứng trên 69.600 người) so với cuối năm 2021.

 
 

Có thể bạn quan tâm