Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Già làng Kpă Pryt: Trọn vẹn nghĩa tình với xã Đất Bằng anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Già làng Kpă Pryt (buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) từng tham gia lực lượng du kích địa phương suốt 10 năm chống Mỹ. Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục góp sức xây dựng quê hương trong vai trò Trưởng thôn suốt 30 năm. Ở vị trí nào, ông cũng đều để lại dấu ấn riêng trong dòng chảy lịch sử-văn hóa trên mảnh đất kiên trung Đất Bằng.


Người phân xử

Trong một bài viết về lực lượng du kích tinh nhuệ của xã Đất Bằng, chúng tôi từng kể về 10 năm cầm súng giữ đất, giữ làng của ông Kpă Pryt. Khi đất nước hòa bình, ông tiếp tục góp sức xây dựng quê hương trong vai trò Trưởng thôn suốt 30 năm.

Tái thiết quê hương sau chiến tranh cũng là một cuộc chiến không kém phần cam go với giặc đói và xóa bỏ những hủ tục đã bám rễ sâu trong đời sống của đồng bào Jrai. Già Kpă Pryt bồi hồi kể: “Sau giải phóng, cả buôn có hơn 50 hộ với 100% là người Jrai. Hầu như không nhà nào thoát cảnh ăn củ mài độn cơm. Người dân đào nát hết các ngọn núi quanh vùng như: Chư Quách, Knoa Hra, Knoa Bui… để tìm củ mài về độn cơm, nấu canh ăn chống đói. Có những ngày cả làng cùng lên núi đào củ mài”.

Già làng Kpă Pryt (bìa phải; buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa). Ảnh: Minh Châu
Già làng Kpă Pryt (bìa phải; buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa). Ảnh: Minh Châu

Già làng Kpă Pryt cho biết, cái đói dần được đẩy lùi khi có chủ trương trồng lúa nước của chính quyền, nhất là sau khi có công trình thủy lợi Ia Mlah tạo thuận lợi để trồng lúa 2 vụ. Để có được kết quả này, suốt thời gian dài, ông cùng với cán bộ huyện, xã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen canh tác, làm quen dần với lúa nước, trồng thêm cây mì, bắp và cây thuốc lá.

Tuy vậy, có những điều đã ăn sâu, cắm rễ vào đời sống bà con Jrai lại không dễ thấy và khó để thay đổi, đó chính là những hủ tục. Già Kpă Pryt kể, chính ông cũng từng tin vào những điều như vậy. Nhưng nhờ cách mạng đã giúp ông nhận ra đúng, sai. Nhất là từ sau lần bị lính Mỹ bắn bị thương, được y tá băng bó, chữa trị giúp ông thoát chết. Từ đó, ông càng ý thức rõ hơn việc cúng bái khi ốm đau sẽ không giúp ai khỏi bệnh mà cần đến trạm y tế, bệnh viện. Và còn nhiều điều vô lý khác nhưng vẫn được bà con tin theo, dẫn đến ăn trâu, mổ bò triền miên, làm nghèo kiệt thêm cuộc sống còn nhiều khốn khó.

Ông nói: “Chính mình phải thay đổi trước thì bà con mới tin. Có chuyện gì xảy ra trong cộng đồng, mình phân xử công bằng, hợp lý khiến mọi người ưng cái bụng, từ đó mới bỏ dần các hủ tục. Nói vậy nhưng cũng khó lắm, lâu lắm chứ không phải bỏ được ngay đâu”.

Ông Rơ Ô Lil cho biết, ông chứng kiến hầu hết những việc làm của già Pryt trong vai trò Trưởng thôn suốt mấy chục năm qua. Chính ông cũng không muốn để già Pryt được “nghỉ hưu”. Ông nói: “Nhờ có ông Pryt mà mọi việc trong làng đều được giải quyết êm thấm. Ông phân xử, hòa giải mọi việc đều hợp lý và giúp đỡ bà con trong làng. Năm 2008, khi ông Pryt xin thôi làm Trưởng thôn, ai cũng đều muốn ông làm già làng để tiếp tục giúp đỡ, đoàn kết mọi người”.

Bà Hnen-Phó Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng-cho biết: “Từ trước tới nay, chưa có người nào làm trưởng thôn lâu như ông Pryt. Nhờ tài hòa giải, phân xử của ông, cộng đồng luôn giữ được sự đoàn kết, gắn bó. Ông cũng luôn đi đầu trong mọi phong trào phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là nắm giữ các bài cúng trong các lễ nghi truyền thống của người Jrai. Từ khi được bầu làm già làng, ông còn phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong cộng đồng”.

Giữ “hồn” di sản

Già làng Kpă Pryt kể, từ sau giải phóng đến nay, buôn Ia Rnho đã có những lần ăn trâu lớn nhất vùng. Lần ăn trâu mới đây nhất là cộng đồng buôn Ia Rnho tổ chức mừng năm mới vào đúng ngày mùng 1 Tết cổ truyền năm 2019. Ông Pryt là người thực hiện các nghi thức cúng, thông linh với các vị thần trong tất cả các lễ cúng lớn nhỏ của cộng đồng hay trong phạm vi gia đình.

“Nếu không có già làng Pryt thì trong buôn không còn ai biết các nghi thức cúng trong lễ ăn trâu hay các lễ: ăn lúa mới, cầu mùa, cầu mưa, mừng thọ, mừng tuổi”-ông Rơ Ô Lil cho biết.

Dưới mái nhà sàn, già làng Kpă Pryt luôn nhắc con cháu về truyền thống anh hùng cách mạng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Minh Châu
Dưới mái nhà sàn, già làng Kpă Pryt luôn nhắc con cháu về truyền thống anh hùng cách mạng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Minh Châu

Cuối năm 2020, gia đình già Pryt chịu một mất mát lớn, đó là sự ra đi của vợ ông. Bà mất gần 2 tháng thì gia đình tổ chức lễ bỏ mả với sự tham gia của hầu hết dân làng trong vùng vì tiếc thương, quý mến mà tìm đến sẻ chia.

Già làng Kpă Pryt ngậm ngùi: “Vợ chồng mình có 8 người con, 4 trai, 4 gái. Mình ở với nhau từ năm 1965 tới khi bà ấy mất nhưng chưa bao giờ cãi nhau. Đây cũng là điều mình luôn dặn dò con cháu, nhất là lớp trẻ trong buôn, phải yêu thương nhau và gìn giữ truyền thống dưới mỗi nóc nhà”.

Thỉnh thoảng, ông Pryt đưa chiếc tẩu thuốc lên miệng phà một hơi khói thật dài. Gần 80 mùa rẫy, ông vẫn luôn giữ sự hóm hỉnh khiến người đối diện cảm thấy nhẹ nhàng ngay cả khi nói về những câu chuyện mất mát, không vui. Có lẽ, đó cũng là cách mà ông đã cùng với người Jrai vùng đất này đi qua những thăng trầm để trở thành điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn khởi sắc trên vùng đất cách mạng.


MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm