Kinh tế

Giải pháp ổn định sản xuất cây cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đứng trước vô vàn khó khăn trong hoạt động sản xuất cây cao su, để hạn chế thấp nhất tình trạng chặt phá, giảm sức đầu tư cho vườn cây, ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã đưa ra nhiều khuyến cáo và có giải pháp giúp doanh nghiệp cũng như bà con có định hướng tốt nhất trước những diễn biến bất lợi như hiện nay…

Ảnh: Quang Vũ
Ảnh: Quang Vũ

Nếu như thời hoàng kim của cao su đạt mức giá kỷ lục là 117 triệu đồng/tấn mủ khô vào tháng 2-2011 thì giữa tháng 8-2014 giá cao su đã chạm đáy chỉ còn 30 triệu đồng/tấn, và đến nay theo nhiều doanh nghiệp giá phải gọi là “lủng đáy” khi có thời điểm giá bán thấp hơn giá thành sản xuất. So sánh để thấy rằng sản xuất cao su đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, là thời kỳ thê thảm nhất đối với ngành cao su. Không cách nào cứu được tình hình lúc này, nhiều doanh nghiệp tự cắt lỗ bằng cách khai thác với mức độ chừng mực, nhằm giảm tồn kho khi thị trường bị thu hẹp. Với nông dân, tình hình càng tệ hơn, bỏ thì thương vương càng… mệt mỏi!

Thực tế này đặt ra rất nhiều vấn đề, một lượng lớn diện tích đã được chuyển mục đích khác. Theo đánh giá của ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai: Trong 3 năm qua không có hiện tượng doanh nghiệp, người dân chặt bỏ cao su do giá mủ lao dốc, mà diện tích chặt bỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong các năm 2012, 2013 diện tích cao su chặt bỏ khoảng 160 ha. Qua năm 2014 diện tích cao su chặt bỏ chuyển sang mục đích khác tăng mạnh và theo thống kê diện tích này là 2.368 ha. Trong số đó, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai chuyển 1.894 ha (trong đó 186 ha trồng mía, còn lại 1.708 ha chuyển sang trồng cỏ, xây dựng dự án bò thịt bò sữa). Các công ty đứng chân trên địa bàn thanh lý khoảng gần 130 ha. Còn lại gần 350 ha là của nông dân phá bỏ, là những vườn cao su tiểu điền, diện tích nhỏ, manh mún, thiếu vốn đầu tư, chất lượng vườn cây kém, không đảm bảo mật độ.

 

Theo nhận định của Hiệp hội Cao su Việt Nam, nhu cầu cao su của thế giới đang tăng trưởng trở lại theo đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, được dự báo sẽ tăng lên 15-15,5 triệu tấn năm 2020.

Mặc dù chặt phá nhưng kế hoạch trồng mới vẫn đảm bảo theo tiến độ. Cụ thể: năm 2012 là 100.543 ha, năm 2013 là 104.556 ha, năm 2014 là 105.000 ha, đến giữa năm nay diện tích này lại tiếp tục tăng lên và hiện đạt con số gần 120.000 ha, đứng đầu khu vực Tây Nguyên, trong số đó hơn một nửa diện tích đã cho sản phẩm. Xác định cao su là loại cây trồng có tính chiến lược trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, để giữ ổn định diện tích, các địa phương cùng ngành chức năng đã vận động người dân việc cần thiết nhất lúc này là cố giữ mức đầu tư tối thiểu tiếp tục duy trì vườn cây.

 “Cao su là loại cây dài ngày với chu kỳ kinh doanh khoảng 20-25 năm. Thời gian để trồng 1 ha cao su đến lúc thu mủ phải mất trung bình 6-7 năm với vốn đầu tư trên 100 triệu đồng. Nếu cứ chạy theo phong trào, chặt bỏ cao su để trồng cà phê, hồ tiêu thì lại tốn thêm khoản kinh phí trồng, chăm sóc, rồi chờ đợi 3-4 năm mới cho thu hoạch. Đó là chưa kể đến những rủi ro như dịch bệnh, mất mùa, trượt giá xảy ra”-ông Trương Phước Anh khuyến cáo.

Giá rớt thê thảm tác động lớn đến sản xuất-kinh doanh, nhưng tín dụng ngân hàng đầu tư cho ngành cao su trên địa bàn hiện nay vẫn đảm bảo mức tăng trưởng với dư nợ 4.853 tỷ đồng (tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước). Ngoài hỗ trợ vốn vay, ngành chức năng sẽ xuất ngân sách địa phương hỗ trợ cho nông hộ trồng cao su tiểu điền có điều kiện chăm sóc tối thiểu vườn cây thông qua nhiều biện pháp đã được UBND tỉnh chỉ đạo. Đối với những vườn cao su ở trong thời kỳ đang kinh doanh, khuyến cáo có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo mủ từ 1 ngày sang 3-4 ngày cạo một lần, khuyến cáo nông dân kéo dài thời kỳ kiến thiết cơ bản hơn thông thường, chờ giá lên. Không chạy theo diện tích mà thay vào đó phải tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng, mà cụ thể là trồng xen cây ngắn ngày đối với diện tích cao su đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Trên cơ sở đánh giá vườn cây và phân loại hoàn cảnh gia đình nông hộ, sẽ đề nghị ngân hàng có cơ chế gia hạn nợ vay. Những diện tích ngoài vùng quy hoạch bà con trồng tự phát trên chân đất xấu cũng có chính sách khuyến khích sớm chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp hơn để góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân…

 Vũ thảo

Có thể bạn quan tâm