Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Giữa nanh vuốt kẻ thù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi dịp Tết Độc lập, những cựu tù chính trị yêu nước tại huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) lại có dịp sum họp để nhắc nhớ về quãng thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ. Và có lẽ điều khó quên nhất với họ là những lần không chịu khuất phục trước nanh vuốt kẻ thù.



1. Tôi gặp nữ cựu tù chính trị yêu nước Trịnh Thị Hồng Nhạn (tổ 2, thị trấn Chư Prông) khi bà vừa được Chủ tịch UBND huyện Chư Prông biểu dương vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Trò chuyện với bà, tôi bất ngờ hơn về những thành tích bà có được trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Sinh năm 1952 tại xã Đức Thạnh (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), lúc 13 tuổi, bà Nhạn đã tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ làm biệt động nội thị và điệp báo an ninh cho Đội Công tác vũ trang thị trấn Mộ Đức. Nhờ nhanh nhẹn, bà Nhạn lấy được nhiều thông tin bí mật về căn cứ của địch và tham gia nhiều đợt rải truyền đơn, gài mìn, dẫn đường cho đội công tác tấn công tiêu diệt quân địch.

Đặc biệt, ngày 16-1-1971, bà đã gài mìn vào chiếc xe của địch tại Chi khu Mộ Đức khiến 13 tên địch bị chết, 18 tên bị thương. “Liền sau sự kiện này, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng và được tuyên dương Dũng sĩ diệt Mỹ. Sau đó, tôi được chuyển sang làm giao liên cho Văn phòng Huyện ủy Mộ Đức để tránh sự lùng sục, bắt bớ của địch”-bà Nhạn tự hào kể.

 Các cựu tù chính trị yêu nước huyện Chư Prông hồi tưởng về những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: H.T
Các cựu tù chính trị yêu nước huyện Chư Prông hồi tưởng về những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Hồng Thương


Trong 6 năm tham gia chiến đấu (1966-1971), bà Nhạn 3 lần bị địch bắt. Trong đó, lần bị bắt cuối cùng vào ngày 5-5-1971 khiến bà ám ảnh nhất. “Khi đang đưa thư cho Văn phòng Huyện ủy Mộ Đức, tôi bị địch bắn bị thương. Biết không thể thoát khỏi tay địch, tôi xé nhỏ lá thư rồi cố nuốt vào bụng. Địch dùng đủ mọi cách để lấy lá thư nhưng không được nên đã đánh tôi ngất đi. Tỉnh dậy, tôi mới biết mình đang bị giam cầm tại nhà lao tỉnh Quảng Ngãi. Để khai thác thông tin, chúng dùng đủ mọi thủ đoạn đê hèn tra tấn, dụ dỗ, ép buộc. Chúng liên tục dùng roi điện tra vào 10 ngón tay khiến tôi ngất đi, rồi đổ nước để tỉnh lại. Để bảo vệ cách mạng, tôi thà chết chứ không hé nửa lời. Tôi giả vờ bị điên nên buộc chúng phải trả tự do năm 1972”-bà Nhạn hồi tưởng.

2. “Đã tham gia cách mạng thì chúng tôi đều xác định là sẽ hy sinh cho Tổ quốc, dù dưới làn mưa bom hay trong lao ngục của kẻ thù. Vì vậy, dù địch có dùng đủ mọi thủ đoạn để dụ dỗ, mua chuộc, hành hạ về thể xác, uy hiếp về tinh thần nhưng chúng tôi tuyệt nhiên không khai báo bất cứ một thông tin nào giữ vững khí tiết của người cộng sản”-đó là những câu nói tâm huyết mà cựu tù chính trị yêu nước Vũ Xuân Bảng (thôn 10, xã Ia Drăng) nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong buổi trò chuyện với tôi về những năm tháng ông tham gia đánh Mỹ.

Bên tách trà ấm nóng, ông Bảng kể, ông tham gia cách mạng từ năm 1969 và được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 23, Bộ Tư lệnh 305 đặc công. Sau khi trải qua huấn luyện chiến thuật binh chủng đặc công đánh bí mật các cứ điểm của địch, ông cùng đồng đội hành quân bằng đường bộ vào miền Đông Nam bộ tham gia chiến đấu. Tại đây, ông tham gia 3 trận đánh cứ điểm của địch tại tỉnh Tây Ninh gồm quận Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng và 1 trận đánh tại Campuchia.

“Những trận đánh phá căn cứ của địch như muốn nghẹt thở bởi địch xây dựng hàng rào bảo vệ rất kiên cố với 13 hàng rào thép gai. Bên ngoài căn cứ, địch phun hóa chất diệt cỏ nhằm dễ quan sát. Muốn tiến vào căn cứ, quân ta phải điều nghiên trận địa kỹ càng, rà và gỡ mìn cho từng hàng rào rồi mới tiến đánh với mục đích tiêu hao sinh lực địch. May mắn là quân ta bí mật đánh nhanh rút nhanh nên ít bị thiệt hại về người”-ông Bảng hồi nhớ.

Lần vượt ngục tại nhà lao Seyriêng (Campuchia) khiến ông Bảng nhớ nhất. Những năm 1970-1971, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương với âm mưu bao vây, cô lập, tiến tới đề bẹp cách mạng miền Nam Việt Nam, cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Đông Dương trở thành chiến trường chung của nhân dân 3 nước chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ông Bảng và 2 đồng đội khi ấy được cử đi làm nhiệm vụ điều nghiên căn cứ của địch đóng tại tỉnh Seyriêng.

Ngày 17-4-1971, ông và đồng đội bị địch phục kích bằng đạn hơi cay rồi bị bắt đem về nhà lao Seyriêng. Trong lao ngục, ông Bảng quyết không khai báo một thông tin nào về bí mật quân sự dù bị địch dùng mọi thủ đoạn, tra tấn dã man. Năm 1975, chớp thời cơ quân giải phóng Campuchia tấn công các cứ điểm của địch tại tỉnh Seyriêng, ông Bảng cùng các tù nhân tìm cách vượt ngục.

“Thời điểm đó, nhà lao tỉnh Seyriêng có gần 100 người. Khoảng 5 giờ ngày 17-4-1975, sau khi thấy bọn quản lý tù nhân đang hoảng loạn bỏ chạy, chúng tôi đã dùng những tấm sạp gỗ làm cho tù nhân nằm để phá các cánh cửa nhà tù. Chúng tôi cướp súng đạn của nhà tù làm vũ khí chiến đấu ngay trong quá trình tháo chạy. Sau đó, chúng tôi được quân giải phóng Campuchia đón và liên lạc với Đồn Biên phòng 23 để đưa về Tây Ninh. Cũng từ đó, tôi được đi học chính trị và trở lại đơn vị cũ tiếp tục tham gia chiến đấu”-ông Bảng nhớ lại.

…Với những cống hiến của mình, những cựu tù chính trị yêu nước như ông Bảng, bà Nhạn đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, biểu dương, tặng thưởng nhiều danh hiệu, huân-huy chương cao quý. Trở lại với cuộc sống đời thường, tuy sức khỏe có phần suy giảm do ảnh hưởng của các trận đòn roi tra tấn của địch nhưng họ vẫn nỗ lực lao động để phát triển kinh tế và tiếp tục cống hiến cho địa phương nơi mình sinh sống.

Bà Nhạn sau khi theo chồng lên Gia Lai lập nghiệp (năm 1976), tham gia nhiều vị trí công tác xã hội, 22 năm làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố 2 (thị trấn Chư Prông) và hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị huyện Chư Prông. Dù ở vị trí nào, bà cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Còn ông Bảng, trong vai trò Trưởng thôn 10 (xã Ia Drăng), nhiều năm qua, ông đã vận động bà con đóng góp được gần 215 triệu đồng làm 3,5 km đường giao thông nông thôn, lắp 65 bóng điện đường và nhiều khoản đóng góp khác để xây dựng các công trình công cộng; đồng thời, xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an ninh” góp phần gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn. Thôn 10 vì thế 12 năm liền đạt danh hiệu thôn văn hóa. Bản thân ông Bảng được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2009.

HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm