Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Giúp học sinh trở lại nhịp sống học đường sau tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tết xôn xao niềm vui đang dần khép lại nhường chỗ cho nếp sống thường nhật rộn ràng: trẻ đến trường, người lớn bôn ba xuôi ngược trở lại sau tết.

Các trường học chuẩn bị rộng mở cánh cửa ngày đón trò quay lại với bài vở, làm bạn cùng tri thức, học tập sau tết. Mỗi tỉnh thành chọn một thời điểm thích hợp để chào xuân mới, đón tân niên cùng học sinh sau kỳ nghỉ tết tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và an lành.

Những ngày đầu tiên đón học sinh quay lại lớp bao giờ cũng rộn vui bởi câu chuyện dịp tết, bánh mứt, lì xì nối dài không dứt. Dẫu vậy, giáo viên vẫn canh cánh bao điều trăn trở: Tết và chuyện “hậu tết” sẽ in hằn nơi lớp học lưa thưa vắng vài ba chỗ ngồi; học sinh ngáp ngắn ngáp dài trong giờ học, nền nếp lơi lỏng đôi ba phần.

Sau kỳ nghỉ tết, học sinh chuẩn bị trở lại trường học. Ảnh:Đào Ngọc Thạch

Sau kỳ nghỉ tết, học sinh chuẩn bị trở lại trường học. Ảnh:Đào Ngọc Thạch

Bên cạnh những lý do chính đáng như học sinh theo bố mẹ về quê chưa kịp trở lại hoặc du xuân đường xa chưa thể đến lớp thì không ít đứa trẻ vắng học hôm đầu tiên sau tết vì "bận chơi tết chưa đã”.

Mấy câu chuyện tréo ngoe hậu tết ấy năm nào cũng tạo ra nhiều tình huống dở khóc dở cười giữa nhà trường và gia đình. Tết là thời điểm nhạy cảm nhen lên nỗi lo trò bỏ học theo chân người lớn đi làm ăn phương xa nên nhiệm vụ huy động học sinh đến lớp, nắm bắt tình hình học sinh sau tết, ngăn chặn nguy cơ trò bỏ học vẫn luôn được đặt lên hàng đầu trong nhà trường.

Thấy học sinh vắng học, giáo viên liên hệ với gia đình mới vỡ lẽ trò còn mải mê vui tết với nhiều lý do như: “hôm qua cháu thức khuya nên sáng dậy không nổi”, “nó xin tôi cho chơi nốt hôm nay rồi mai đi học”, “tôi bận cúng họ đầu năm nên không biết con còn ở nhà hay đi đâu rồi”… Giáo viên chỉ biết cười trừ với chuyện nghỉ tết, ăn tết và chơi tết của trò.

Nhà trường quan tâm và quản lý chặt chẽ số lượng học sinh sau tết (ảnh minh họa). Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Nhà trường quan tâm và quản lý chặt chẽ số lượng học sinh sau tết (ảnh minh họa). Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Bên cạnh đó, dư âm của “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” vẫn còn đậm nét trong tâm trí học sinh. Học sinh đến lớp với tâm thế uể oải, ngáp ngắn ngáp dài, chểnh mảng việc học bởi gần chục ngày thức khuya dậy muộn cùng tết khiến trẻ chưa bắt nhịp được thời khóa biểu học tập.

Một số học sinh thì đến trường với mái đầu xanh đỏ, tóc gợn sóng hay phủ ánh kim, quần áo cắt xẻ không đúng chuẩn đồng phục học sinh bởi “mốt” thời thượng dăm ba ngày tết chưa kịp chỉnh trang. Một số học sinh trung học còn lén lút đưa bài bạc, bầu cua, thậm chí là bia rượu rủ rê nhau cũng là một lát cắt khá phản cảm trong những ngày hậu tết.

Vì vậy, kéo trẻ hòa nhập với nhịp sống học đường sau tết đòi hỏi nhà trường, thầy cô và gia đình phải phối kết hợp chặt chẽ hơn trong nhiệm vụ huy động số lượng, uốn rèn nền nếp.

Gia đình hãy chuẩn bị một tâm thế thật tốt cho ngày đầu tiên con trẻ trở lại trường học bằng lời nhắc nhở con chuẩn bị sách vở, soạn và làm bài tập đầy đủ, ngủ sớm để tinh thần thoải mái nhất cho buổi sáng đến lớp.

Đừng bao giờ nuông chiều con trẻ một cách dễ dãi rằng nghỉ học vài buổi sau tết chẳng sao cả!

Nhà trường nên tổ chức hội xuân đón trò đến lớp bằng những hoạt động rộn ràng đầu xuân. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhà trường nên tổ chức hội xuân đón trò đến lớp bằng những hoạt động rộn ràng đầu xuân. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhà trường nên quan tâm và quản lý chặt chẽ số lượng học sinh sau tết, kịp thời vận động những bạn nhỏ còn ham chơi chưa chịu đến trường và ngăn chặn nguy cơ trò theo chân người thân, người quen bôn ba làm ăn khi tuổi đời còn chưa gồng gánh được áp lực cuộc sống. Đừng vội vàng áp cái khuôn học kín buổi, học đủ bài, học hết tiết khi mai vàng đào thắm và muôn lễ hội vui xuân vẫn mời gọi inh ỏi ngoài kia.

Ban giám hiệu cũng nên khéo léo tổ chức hội xuân đón trò đến lớp bằng những hoạt động rộn ràng đầu xuân: văn nghệ, hái lộc, trồng cây… Và khéo léo, tinh tế nhắc nhở trò thay màu tóc, đổi kiểu áo để nền nếp học đường sáng bừng tinh thần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thật sự.

Hãy để niềm vui ngày tết đọng lại trọn vẹn trong lòng người và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học bằng cách xốc lại tinh thần hòa vào nhịp sống học đường sau tết.

Có thể bạn quan tâm