Góc nhìn mới về chiến thắng lịch sử 30.4

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Người dân đón chào quân Giải phóng - hình ảnh trong tập 19. Ảnh do ĐLP cung cấp
Kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020), khán giả sẽ được thưởng thức 5 tập phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất trong đề án phim tài liệu dài tập “Con đường đã chọn”.
Ngoài cách kể lịch sử bằng cái nhìn khách quan, đa chiều với góc nhìn của ngày hôm nay, nhiều hình ảnh tư liệu 16mm thu được của Quân đội Sài Gòn do Điện ảnh Quân đội nhân dân quản lý, lưu trữ, giải mã và lần đầu được công bố.
Giá trị cao về tư liệu lịch sử
Dự án phim tài liệu 22 tập “Con đường đã chọn” với bối cảnh trải dài từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cho đến thời đại bây giờ. Trong đó, 5 tập phim (từ tập 15 đến tập 19) làm về Chiến dịch Hồ Chí Minh để kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tập 15 “Tiến công chiến lược” lấy bối cảnh năm 1972 so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tấn công chiến lược trên toàn miền Nam và quân Giải phóng đã giành được thắng lợi lớn trên khắp các mặt trận. Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã sử dụng máy bay B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng nhưng trận “Điện Biên Phủ trên không” buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris rút quân về nước.
Tập 16 “Đòn thăm dò” miêu tả những trận đánh lớn của quân Giải phóng để thăm dò phản ứng của Mỹ. Bộ Chính trị kết luận Mỹ không có khả năng đưa quân quay trở lại miền Nam Việt Nam và “dù Mỹ có quay lại ta vẫn thắng”.
Tập 17 “Điểm huyệt Tây Nguyên” với chiến dịch Buôn Ma Thuột là trận then chốt mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975.
Tập 18 “Đánh trong hành tiến” Khi thời cơ đến, Bộ chính trị hạ quyết tâm: Chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, huy động mọi sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam. Quân và dân ta đã tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng rồi tới toàn bộ các tỉnh miền Trung và các đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ.
Và tập 19 “Thống nhất đất nước” với Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch lớn nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam đã kết thúc hơn 100 năm đô hộ của chế độ Thực dân cũ và mới trên đất nước Việt Nam, non sông thu về một mối, Nam Bắc một nhà.
Góc nhìn mới
5 tập phim được chấp bút bởi biên kịch Lại Văn Sinh, các đạo diễn thực hiện các tập phim như NSND Lưu Quỳ, NSƯT Phạm Huyên, Bùi Chí Trung, Trần Vũ Anh… Tổng đạo diễn là NSND Lê Thi.
Đạo diễn trẻ Bùi Chí Trung đã chia sẻ với báo Lao Động về sự thách thức khi thực hiện tập 19 “Thống nhất đất nước”: Chiến dịch Hồ Chí Minh thì nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế đã làm, không thiếu những bậc “cây đa cây đề” nên khó nhất là làm sao nói một vấn đề cũ theo góc nhìn mới. Có 3 cái thuận lợi để làm, trước hết ban lãnh đạo Điện ảnh Quân đội nhân dân đã thống nhất quan điểm làm cả 22 tập phim không phải là phim tụng ca, một chiều, với góc nhìn chân thực, lịch sử của người chép sử. Thứ hai là chúng ta có nhiều hình ảnh mới (từ kho tư liệu 16mm) và nhiều tư liệu mới từ các học giả trong ngoài nước đánh giá về chiến thắng 30.4.
Vì thế, tập phim không đơn thuần là chiến thắng với thế tấn công như thác đổ của ta mà địch cũng phản công rất quyết liệt, thậm chí dùng cả loại bom mà Mỹ chưa dùng có sức công phá sát thương rất cao. Những tổn thất và hy sinh của bộ đội ta như thế nào? Rồi những trận đấu tăng khốc liệt vùng ven Sài Gòn cũng là những tư liệu mới. Lần đầu tiên, phim cũng nhấn mạnh nghệ thuật tấn công quân sự của Việt Nam, không đánh kiểu cuốn chiếu mà đánh theo kiểu chia cắt đội hình, giam chân địch không cho chúng co cụm phòng thủ.
Trước ngày 30.4 chúng ta đã đứng trước quyết định có đánh nữa hay không, trong bối cảnh nhiều cường quốc trên thế giới, kể cả nước bạn bè láng giềng muốn nhúng mũi vào, gây ảnh hưởng chính trị lên Việt Nam, đưa người vào trại David móc nối để ngầm tiến hành giải vây…, tất cả khó khăn cho thấy quyết tâm chính trị chiến lược sáng tạo của Đảng ta.
Các phim tài liệu trước đây cũng không cho thấy hình ảnh về chính quyền Sài Gòn sáng 30.4, rồi ông Dương Văn Minh làm gì… vì tất cả sẽ quyết định thế trận hôm đó. Tập 19 này sẽ có những hình ảnh đó.
Một điều “giải mã” nữa là vì sao người dân không lo ngại có cuộc “tắm máu” hay “trả thù” của cộng sản do bị tuyên truyền sai lạc trước đó, mà ào ra ngoài đường đón quân Giải phóng. Vai trò trí thức Sài Gòn cũ trong chuyện này ra sao? Và cuối cùng, đánh giá ý nghĩa chiến thắng 30.4 cũng được nhìn nhận đa chiều hơn, không chỉ là việc chiến thắng 100 năm chủ nghĩa thực dân cũ và mới, mà cũng đặt ra hàng loạt khó khăn thời hậu chiến… Tập 19 chỉ là một móc nối, nhịp dẫn nhỏ kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai trong tổng thể một dự án phim có góc nhìn biện chứng, khách quan đa chiều về lịch sử.
Khi được hỏi có những cuộc gặp nào khiến người làm phim xúc động, đạo diễn Bùi Chí Trung tâm sự: Có nhiều nhân vật, cuộc gặp để lại nhiều dư vị như cuộc phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước năm nay đã 93 tuổi tại bệnh viện 108. Ông ốm nhưng vẫn trả lời về chiến thắng 30.4 và nói xong thì mất giọng luôn…
Còn Tổng đạo diễn Lê Thi cho biết thêm: Cái mới của 5 tập phim còn là tư liệu phía bên kia do Mỹ quay được minh bạch hóa. Trước phim ta chỉ có hình ảnh bên ta, còn giờ có thêm hình ảnh phía bên kia của một số tướng lĩnh Sài Gòn cũ như Nguyễn Cao Kỳ, Lê Minh Đảo…

5 tập phim (trung bình mỗi tập 30 phút) “Con đường đã chọn” được làm công phu, kỹ lưỡng, đạt độ chính xác cao về tư liệu hình ảnh lịch sử, với mức kinh phí khá khiêm tốn nếu so với các phim tài liệu quốc tế làm sẽ phát hành trong mạng lưới toàn quân và trên các Đài Truyền hình nhân dịp 30.4.

Việt Văn (LĐO)

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/goc-nhin-moi-ve-chien-thang-lich-su-304-799648.ldo

Có thể bạn quan tâm