Già làng A Lào, 74 tuổi, làng Đăk Răng, xã Pờ Y, H.Ngọc Hồi (Kon Tum) luôn như cánh chim đầu đàn dẫn dắt dân làng bước qua các hủ tục lạc hậu.
Già làng A Lào là tấm gương đi đầu trong mọi công tác tại địa phương-ẢNH: ĐỨC NHẬT |
Chúng tôi đến thăm ngã ba Đông Dương (thuộc địa bàn xã Pờ Y), nơi tiếp giáp 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, vào một chiều hè nắng như đổ lửa. Trên suốt tuyến đường, những cơn gió miền biên viễn cứ ràn rạt thổi qua, áp vào da người bỏng rát. Đến với huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) lần này, chúng tôi muốn ghé thăm già làng A Lào - người có nhiều đóng góp trong công cuộc vận động người dân bước qua hủ tục.
“Hóa giải” ám ảnh bom mìn
Đón chúng tôi trước cổng nhà, bằng cái bắt tay nồng ấm và nụ cười nhân hậu, chẳng ai nghĩ rằng già A Lào đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Ông có dáng người dong dỏng cao, gương mặt nghiêm nghị và ánh mắt như xoáy vào người đối diện. Rót chén nước trà đãi khách, vị già làng kéo chúng tôi về những ngày đã cũ.
Năm 1967, theo tiếng gọi non sông, chàng thanh niên trẻ A Lào rời vùng đất Ngọc Hồi, lên đường nhập ngũ và đóng quân ở khu vực Măng Bút (H.Kon Plông, Kon Tum). Chiến tranh kết thúc, thiếu úy pháo binh A Lào với chiếc Huân chương Kháng chiến hạng nhất, trở về nhà xây dựng lại quê hương sau những ngày lửa khói.
Trước đây khu vực Ngọc Hồi - Đăk Tô chiến tranh diễn ra rất ác liệt. Sau năm 1975, bom đạn còn sót lại rất nhiều. Lúc bấy giờ cuộc sống người dân còn đói nghèo, lạc hậu. Hầu hết người dân trong khu vực ngoài làm ruộng thì chỉ biết thêm một nghề nữa là tìm vỏ bom, đạn để bán phế liệu lấy tiền. “Một buổi chiều mình chả nhớ rõ năm nào, cả làng đang sinh hoạt bình thường thì bất ngờ nghe tiếng nổ lớn. Người ta kéo nhau ra gốc le cuối làng thì thấy 2 người đàn ông nằm gục bên vệ đường, bên cạnh vẫn còn cái gùi đựng mấy quả đạn M79. Dân làng mỗi người một tay đưa họ về nhà tổ chức đám ma”, già A Lào nhớ lại.
Là người từng đi qua chiến tranh, hơn ai hết già A Lào biết rõ nỗi đau của bom đạn. Vậy rồi già bỏ mấy ngày lên rẫy, đi hỏi thăm người dân khu vực có bom mìn. Sau đó một mình già cầm ngang cây rựa đi thẳng ra khu sản xuất. Mấy ngày sau những khoảnh rừng có bom mìn đã được già khoanh vùng, cắm cọc cảnh báo. Rồi già lại một mình cuốc bộ về huyện đội báo cáo các khu vực có bom để công binh đến xử lý.
Mặt khác, già A Lào đến nhà rông dùng than vẽ đầy lên vách hình thù các loại bom bi, đạn M79, mìn bộ binh… Trong những buổi họp làng, già đều chỉ lên vách giảng giải về độ nguy hiểm của nó và khuyến cáo dân làng hễ nhìn thấy chúng thì phải tránh xa. Những tiếng bom vì thế cũng vơi dần trên nương rẫy.
Bước qua hủ tục
Những ngày hòa bình vừa lập lại, công tác tuyên truyền vận động dân làng bước qua hủ tục gặp nhiều khó khăn vì trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế.
Theo già A Lào, từ xa xưa, cha ông họ đã luôn tin rằng bệnh tật là do con ma rừng gây ra. Mỗi khi trong nhà có người đau ốm, người Xơ Đăng thường chạy đi mời thầy cúng về nhà. Cho mãi đến sau này, dù đã có trạm xá nhưng dân làng vẫn không đến khám chữa bệnh mà chỉ tin vào thầy cúng của làng. Trong khi đó, mỗi khi thầy cúng xuất hiện, tùy vào bệnh nặng hay nhẹ mà gia chủ phải mổ trâu, bò, lợn, gà để làm lễ tế. Đối với những hộ nghèo, không có tiền phải đi vay mượn để mua đồ cúng rất tốn kém.
Không chỉ dân làng, gia đình A Lào cũng từng tin vào thầy cúng như vậy. Thế rồi năm 1977, vợ A Lào khi ấy đang mang thai tháng thứ 8 thì bất ngờ bị sốt li bì mấy ngày liền. Theo tục lệ, người nhà cũng mời thầy cúng về bắt con ma rừng. Vừa đến nơi, thầy cúng yêu cầu gia đình chuẩn bị một con trâu để làm lễ tế. Lúc ấy, A Lào làm gì có tiền mà mua trâu cúng ma rừng. Hơn nữa vì từng đi bộ đội nên A Lào biết ốm đau là do bệnh tật và phải uống thuốc mới khỏi. Do đó, A Lào liền đưa vợ ra trạm xá rồi chuyển xuống bệnh viện tỉnh.
“Khám xong, bác sĩ nói may mà đến kịp lúc. Vợ mình bị sốt rét lại sinh non. Nhưng nhờ có bác sĩ cứu chữa nên cả mẹ và con đều khỏe mạnh. Đến nay đứa con đó đã lớn, nó cũng sắp làm ông nội rồi. Nếu mình nghe thầy cúng thì chắc vợ, con mình đã về với yàng (ông trời) rồi”, già A Lào kể lại.
Già làng A Lào tiên phong xây dựng công trình nước sạch để dân làng lấy nước sinh hoạt |
Những tháng năm sau đó, thấy dân làng cứ mãi chìm đắm trong mê tín dị đoan, chẳng thoát nổi đói nghèo, già A Lào không đành lòng. Già đem chuyện vợ mình được chữa khỏi bệnh kể với hội đồng làng. Lúc đầu những người này vẫn không tin, vẫn sợ con ma rừng. Tuy nhiên, già A Lào kể ra những lần thầy cúng chữa bệnh không khỏi, những lần cúng tế xong nhưng người vẫn chết. Lúc này hội đồng làng mới dần bừng tỉnh.
Rồi già A Lào và những người uy tín phải đi giải thích từng nhà, vận động từng ngày, kết hợp vận động, tuyên truyền trong những buổi họp làng để người dân không tin vào thầy cúng, đến trạm xá khám, chữa bệnh khi đau ốm. Cuộc vận động trường kỳ hết ngày này qua tháng khác. Cuối cùng dân làng cũng không còn sợ con ma rừng, không tin vào lời thầy cúng nữa.
“Ít miệng ăn cái bụng mới không lo đói”
Đầu những năm 2000, đời sống của dân làng vẫn còn nhiều khó khăn. Với suy nghĩ đông con thì đông của, gia đình nào sinh ít nhất cũng 4 đứa con, nhiều thì gần chục đứa. Trong khi đó, vì đói khổ nhiều nên dân làng chỉ quen trồng những giống cây làm no cái bụng. Đất đai ngày càng cằn cỗi khiến hạt lúa, hạt bắp mỗi lúc một ít đi. Cái nghèo, cái đói lại đến cận kề hơn.
Thấy dân khổ, một mặt già A Lào kêu gọi bà con sinh đẻ có kế hoạch để làm kinh tế. Ông nghĩ rằng “chỉ khi sinh đẻ có kế hoạch, cuộc sống mới bớt khó khăn, ít miệng ăn hơn thì cái bụng mới không lo đói”. Mặt khác, ông tìm đến cán bộ xã hỏi những giống cây có thể thay thế cây ngô, lúa. Thời điểm này, cán bộ xã cũng liên tục phát động mô hình trồng cà phê, cao su tiểu điền. Già A Lào liền xung phong đi học kỹ thuật và lấy giống cà phê về trồng. Không chỉ vậy, già còn rủ thêm nhiều thanh niên tiến bộ trong làng đến xã học tập kỹ thuật trồng cà phê, cao su. Cũng bắt đầu từ đây, kinh tế của nhiều hộ gia đình trong làng có nhiều khởi sắc.
Pờ Y là xã biên giới nên các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy, pháo lậu thường lợi dụng địa bàn xã hoạt động. Bởi vậy, để giữ gìn trật tự vùng biên, già A Lào luôn cùng chính quyền tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân… Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ vững hòa bình, an ninh trật tự khu vực biên giới.
“Việc tuyên truyền giữ gìn trật tự vùng biên là công tác quan trọng. Bây giờ dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp thì công tác này càng phải được thực hiện quyết liệt. Người dân cần tỉnh táo để không nghe lời kẻ xấu xúi giục dẫn người vượt biên trái phép, chủ động phòng chống dịch bệnh và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới”, già A Lào chia sẻ.
Với những đóng góp trong công tác tại thôn Đăk Răng, già làng A Lào vinh dự được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen từ T.Ư đến địa phương. Gần đây nhất, năm 2020, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, với những đóng góp của già A Lào, đến nay đời sống người dân làng Đăk Răng đã có nhiều thay đổi tích cực. Trong làng chỉ còn 7 hộ nghèo; 100% người dân ốm đau đã đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh; trẻ em được đến trường học chữ, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt 100%... Hầu hết hủ tục lạc hậu đã được bài trừ, tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo. |
Theo ĐỨC NHẬT (TNO)