Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Hà Nội trong tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người ta thường có xu hướng “sở hữu hóa” tình cảm với đối tượng mà mình yêu mến, mặc dù trong lòng luôn biết, đối tượng ấy không của riêng ai. Bởi cảm xúc và trải nghiệm mang tính cá nhân, mà trái tim con người luôn ấp iu những mến thương luyến nhớ riêng mình. Nên, dẫu Hà Nội có là tình yêu cháy bỏng của bao người hay đã in dấu trong những trang văn của Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân… thì vẫn có những Hà Nội rất riêng trong trái tim mỗi chúng ta.

Ngày nhỏ, tôi từng khắc khoải mong một lần đến Hà Nội, viếng Lăng Bác Hồ, dạo Công viên Lênin, ngắm Hồ Gươm lộng lẫy ánh đèn, đi trên cầu Thê Húc để vào đền Ngọc Sơn chiêm ngưỡng Tháp Rùa. Dù hiểu biết của tôi về Hà Nội chỉ vỏn vẹn trong mấy hình ảnh được nhắc tên, được vẽ trong sách Tập đọc, nhưng niềm tha thiết trẻ thơ ấy trong trẻo mãnh liệt vô cùng.

Qua nửa đời người, cứ nghĩ tình yêu dành cho Hà Nội trong tôi đã phai nhòa theo năm tháng cùng những đổi thay của cuộc đời. Chẳng phải rất nhiều thứ chỉ đẹp trong mắt trẻ thơ hay chỉ hấp dẫn người ta ở một độ tuổi nhất định nào đó sao! Vậy mà, Hà Nội vẫn khiến trái tim tôi xao xuyến bồi hồi, khi tiếp viên hàng không trên chuyến bay Pleiku-Hà Nội hôm ấy thông báo, máy bay chúng ta sắp sửa hạ cánh xuống Sân bay Nội Bài trong ít phút nữa. Tôi đã nhoài người bên ô cửa để ngắm Hà Nội từ trên cao, dòng sông Hồng vàng quánh phù sa như con rồng nằm uốn khúc giữa những phố xá nhấp nhô và đồng ruộng chia ô chia thửa. Cảm giác vừa lạ vừa quen cùng niềm vui, niềm háo hức bất chợt trào dâng trong lòng.

Ảnh minh họa: NGUYÊN NGUYÊN

Ảnh minh họa: NGUYÊN NGUYÊN

Hà Nội đón tôi bằng đợt không khí lạnh đầu mùa se sắt. Cái rét ngọt của mùa đông xứ Bắc không đi kèm mưa phùn gió bấc, trời hanh khô, nhưng cảm giác tê buốt cứ âm thầm thấm vào cơ thể. Lạ làm sao, trong cái rét tê người, tôi vẫn muốn tung tăng áo khoác, khăn quàng, hòa vào dòng người giữa lung linh đèn hoa và sương giăng phố cổ. Dẫu không có cảnh hoa bay lá rụng của mùa thu hay đào mơ khoe sắc của mùa xuân, Hà Nội vào đông vẫn đẹp, vẻ đẹp riêng, quyến rũ đến nao lòng.

Thật khó cắt nghĩa cảm giác một cách rõ rệt nhưng tôi đã yêu Hà Nội từ những buổi đầu tiên ấy, khi nhấm nháp vị trà chiều ngọt dịu trong một quán nhỏ gần Hồ Gươm, ăn kem Tràng Tiền, thưởng thức xôi xéo, ngô nướng ven Bờ Hồ, uống trà chanh phố Nhà Thờ giữa cái rét dưới 10 độ C. Dường như Hà Nội đã đem đến cho tôi cảm giác bình yên và cả sự ấm áp, êm dịu trong tâm hồn.

Hà Nội vốn đất kinh kỳ nên mang trong mình đầy đủ tính phức hợp của một đô thị nghìn năm. Vừa cổ kính với 5 cửa ô cùng những tên phố gắn với những phường nghề truyền thống một thuở như: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Trống, Hàng Gai… với những căn nhà cổ thâm nghiêm, trầm mặc, vừa hiện đại với hệ thống giao thông chằng chịt uốn lượn trên cao, dưới thấp, trong lòng đất, với dòng người xe nườm nượp như mắc cửi. Một Hà Nội như rồng bay bên một Hà Nội lắng sâu trầm tĩnh với “tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương” cùng mặt nước Hồ Tây, Hồ Gươm tịch mịch khói sương, nhuốm màu thời gian, rêu phong truyền thuyết.

Nhưng tôi biết, cái níu giữ hồn mình với Hà Nội không phải sự xa hoa, ồn ào phố thị. Nhất là khi đã trở lại Hà Nội nhiều lần trong nhiều thời điểm, nhiều hoàn cảnh khác nhau, tôi càng thiết tha về với một Hà Nội hiền hòa cổ kính. Tôi thích đi dưới những hàng cây trên phố Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Hoàng Diệu hay thong thả tản bộ ven hồ dưới những vòm me xanh mát, thưởng thức món xôi lạc, xôi xéo, bánh giò, bánh dầy hay ăn một bát bún thang ngay vỉa hè phố cổ. Đôi khi, tôi lại níu chân người bán rong trên phố để mua một bó hoa loa kèn hoặc sen về cắm tạm trong chiếc bình nhỏ, đặt nơi cửa sổ phòng khách sạn cho hương hoa dịu dàng tỏa lan.

Tôi nhớ những quán nhỏ yên bình trong những ngõ, ngách, nơi treo những bức tranh của những họa sĩ lừng danh thế kỷ trước, có những quyển sách gáy đã sờn, bìa đã cũ nhưng được xếp gọn gàng trên giá và những bộ ấm chén làm bằng gốm Bát Tràng nhỏ nhắn mà tinh xảo luôn được chủ quán dùng để pha trà. Những sự tận hưởng ấy luôn đem lại cho tôi niềm vui lặng lẽ, như chạm vào vẻ đẹp xưa cũ ẩn trong những điều nhỏ bé, dung dị, đời thường.

Nhưng văn hóa kinh kỳ không chỉ hiển hiện trong đời sống vật chất mà còn thể hiện ở đời sống tinh thần, trong từng nếp nhà, trong cách ứng xử của bao lớp người Hà Nội. Tôi may mắn quen biết một số người. Bằng nỗi buồn vui mỗi ngày, họ đang dành một tình yêu tha thiết cho Hà Nội. Họ không nhận mình là người Hà Nội dù đã sống trên mảnh đất ấy mấy chục năm, nhưng tình yêu với đất và người đã hòa quyện trong giọng nói, dáng đứng ngồi, trong ý thức nâng niu gìn giữ vẻ đẹp ngàn đời của xứ ngàn năm văn vật.

Bây giờ, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều so với lần đầu tôi đến. Hiện đại, đông đúc và sầm uất hơn. Nhưng có sự phát triển nào không đi kèm sự thay đổi, thậm chí đánh mất vĩnh viễn những giá trị cũ? Không chỉ một hàng cây, một con đường, một tòa nhà hay một góc phố, mà có khi là cả một hệ giá trị, một ý thức về lối sống, nếp sống thanh lịch của người Tràng An. Lo âu về sự phai nhạt văn hóa kinh kỳ hẳn không chỉ là nỗi niềm của riêng ai. Như bạn, như tôi, như ai từng có một Hà Nội để nhớ, để thương, để yêu, một Hà Nội để chắt chiu từng ngụm mát lành trong cơn khát một miền văn hóa vốn là niềm tự hào xứ sở!

Có thể bạn quan tâm