(GLO)- Nhiều năm làm Trưởng thôn Lũng Vân (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), ông Hà Văn Mừng được đánh giá luôn gần dân và nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.
Luôn gần gũi, sẻ chia
Đầu giờ chiều, nhiệt độ ngoài trời 37 độ C nhưng ông Mừng vẫn đầu trần, chân đất đứng giữa ruộng kéo ống dẫn nước. Ông giải thích: “Năm nay, tôi làm thêm lúa vụ 3, nước không đủ nên phải canh để dẫn nước từ suối vào ruộng”. Gia đình ông có 2 ha đất trồng lúa. Mọi năm, ông chỉ canh tác 2 vụ, sau đó để đất nghỉ ngơi, chuẩn bị cho vụ gieo trồng mới. Nhưng nhận thấy thời tiết năm nay thuận lợi, nguồn nước suối khá dồi dào nên ông tranh thủ canh tác thêm lúa vụ 3 trên diện tích gần 1 ha.
Ông Hà Văn Mừng (bên trái) trò chuyện với người dân trong thôn. Ảnh: Phương Dung |
Nhìn ông khỏe khoắn, rắn rỏi trong lao động, ít ai nghĩ lão nông ấy đã bước qua tuổi lục tuần. Rời quê hương Hòa Bình vào xã Ia Lâu lập nghiệp từ năm 1997, ngay trong giai đoạn khó khăn ấy, ông đã tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Năm 2004, ông được bầu làm Trưởng thôn Lũng Vân. Từ năm 2014 đến năm 2018, ông đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ thôn. Từ năm 2019 đến nay, ông tiếp tục làm Trưởng thôn. Vai trò nào ông cũng làm tốt nên người dân luôn quý mến và cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng. Ông bộc bạch: “Trong gia đình hay cộng đồng, tôi đều xác định phải gương mẫu. Làm gì cũng phải công khai, minh bạch. Tôi ít nói nhưng khi đã nói là dứt khoát, ai có thắc mắc gì thì đều giải đáp ngay”.
Thôn Lũng Vân hiện có 289 hộ với 1.213 khẩu. So với ngày mới thành lập, số hộ tăng hơn 5 lần. Trở thành “đầu tàu” của vùng đất góp với 8 dân tộc anh em đến từ 10 tỉnh cùng sinh sống, ông Mừng luôn cố gắng để vun đắp tình đoàn kết. Trong mỗi câu chuyện, từng cuộc họp, ông không quên động viên, khích lệ người dân vượt qua khó khăn, yên tâm bám đất xây dựng quê hương mới. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con dần cải thiện. Thông tin về điều này, ông nói: Thời gian đầu thiếu thốn đủ bề, song bà con đều thống nhất đóng quỹ chung để duy trì các hoạt động của thôn, rồi giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao. Hiện tại, mỗi hộ duy trì đóng góp 100 ngàn đồng/năm. Khi một hộ trong thôn xảy ra việc gì thì các hộ còn lại đều chung tay chia sẻ, giúp đỡ. Đơn cử, năm trước, trong thôn có nhà bị hỏa hoạn, rồi nhà bị tốc mái, người dân đều tự nguyện đóng góp, hỗ trợ. Khi có người chết, mỗi hộ đóng góp 50 ngàn đồng phụ giúp gia đình lo liệu hậu sự.
Tích cực xây dựng nông thôn mới
Theo Trưởng thôn Hà Văn Mừng, diện mạo thôn Lũng Vân dần khởi sắc từ khi đập dâng Ia Lâu hoàn thiện và ruộng lúa nước hình thành. Tiếp đến, hồ chứa Plei Pai được đầu tư xây dựng với hệ thống kênh mương kiên cố đủ cung cấp nước cho cây trồng. Rồi các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, nguồn vốn, giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng. Bản thân ông thì đứng ra vận động bà con tích cực lao động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tìm cách hỗ trợ vốn vay giúp nông dân, phụ nữ nghèo sản xuất, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Một số chi hội hiện có nguồn quỹ cao và đang xoay vòng cho hội viên vay như: Chi hội Nông dân có gần 120 triệu đồng, Chi hội Phụ nữ khoảng 130 triệu đồng, Chi hội Cựu chiến binh có hơn 100 triệu đồng...
Ông Hà Văn Mừng bên kho thóc của gia đình. Ảnh: Phương Dung |
Năm 2020, ông Hà Văn Mừng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư từ năm 2018 đến 2020. |
Với sự chung tay của các ngành, đoàn thể và nỗ lực của người dân, số hộ nghèo trong thôn mỗi năm mỗi giảm. Đến nay, thôn chỉ còn 7 hộ nghèo, phần do già yếu, bệnh tật, phần mới tách hộ nên thiếu đất sản xuất. Anh Ngân Văn Chuyên trải lòng: “5 anh chị lớn đều lập gia đình và ở riêng, chỉ còn tôi sống cùng bố mẹ đều ngoài 80 tuổi. Ruộng rẫy chia đều cho các anh chị, gia đình chỉ còn lại 1 sào đất trồng lúa và vài chục cây điều. Bố mẹ già yếu, đau ốm thường xuyên, đất đai canh tác lại ít nên gia đình tôi chưa thoát nghèo. Hiểu hoàn cảnh, chú Mừng thường ghé nhà thăm hỏi, động viên”.
Không chỉ quan tâm đến công tác giảm nghèo, ông Mừng còn tích cực vận động người dân hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn. Trưởng thôn Lũng Vân thông tin: Từ năm 2014 đến nay, người dân trong thôn đã hiến hơn 500 m2 đất và góp hơn 1.000 ngày công làm đường. Khi làm đường, người dân bàn bạc thống nhất đóng góp theo khẩu, huy động theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2012-2015, mỗi khẩu đóng 150 ngàn đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 là 180 ngàn đồng/năm và giai đoạn 2019-2020 là 200 ngàn đồng/năm. Đối với hộ nghèo, tùy theo nguyện vọng có thể chia làm nhiều đợt để tham gia. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, thôn đã hoàn thành xong 2,8 km đường giao thông. Lũng Vân cũng trở thành thôn đầu tiên trong xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2020.
Bà Lương Thị Hồng Chiêm-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu-nhận xét: “Ông Hà Văn Mừng rất năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc được giao. Với người dân, ông luôn hòa nhã và tận tình nên bà con rất tin tưởng, quý mến. Thôn Lũng Vân luôn dẫn đầu các phong trào thi đua tại địa phương”.
PHƯƠNG DUNG