Một vài tháng sau đó, phóng viên tờ New York Times tìm đến và phỏng vấn khá lâu với Steve Jobs về iPad. Cuối buổi, phóng viên đặt câu hỏi: "Các con ông chắc phải thích iPad lắm". Tuy nhiên, câu trả lời của thiên tài hãng Apple khi đó là: "Bọn trẻ vẫn chưa được sử dụng iPad. Chúng tôi giới hạn việc bọn trẻ sử dụng (thiết bị) công nghệ khi ở nhà".
Tại Mỹ, Waldorf school of the Peninsula là ngôi trường liên cấp gần thung lũng Silicon (bang California), học phí từ 22.000- 44.000USD/năm không cho phép học sinh sử dụng laptop, tablet, smartphone cho tới lớp 8. Tôi nhắc đến trường này vì 75% học sinh có cha mẹ rất am hiểu bởi đang làm cho các tập đoàn công nghệ cao tại thung lũng Silicon.
Gần đây, Cơ quan Quản trị không gian mạng của Trung Quốc đề xuất trẻ dưới 18 tuổi chỉ được sử dụng điện thoại không quá 2 giờ/ngày; trẻ dưới 16 tuổi chỉ được sử dụng tối đa 1 giờ/ngày.
Tại châu Âu, chính quyền Hà Lan cấm sử dụng smartphone, tablet và đồng hồ thông minh trong lớp học nhằm giảm thiểu tối đa việc học sinh bị mất tập trung. Bộ Giáo dục Hà Lan cho biết lệnh cấm này sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2024.
Thiết bị di động thông minh cuốn trẻ vào việc sử dụng công nghệ mà dần quên hết mọi thứ xung quanh. Không như laptop, gấp máy tính lại là dứt, là ngưng sử dụng; các thiết bị di động thông minh không có dấu hiệu ngừng. Điện thoại thông minh, máy tính bảng có thể biến trẻ từ người sử dụng công nghệ thành người nô lệ cho công nghệ. Để luôn là người làm chủ công nghệ thông tin, trẻ phải chủ động tạo ra dấu hiệu ngưng. Để làm được điều này, người sử dụng thiết bị di động phải có khả năng tự điều chỉnh, tự kỷ luật bản thân.
Tại Việt Nam, theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 1-11-2020, học sinh THCS, THPT có thể được sử dụng điện thoại di động để phục vụ cho việc học tập nếu được giáo viên cho phép. Điều này có nghĩa trao thêm trách nhiệm cho thầy, cô. Khi học sinh mê smartphone, các em có hàng trăm hàng ngàn cách để qua mặt thầy cô!
Trong một nền giáo dục còn ít phản biện, còn ít những bài học về việc phát triển bản thân, hy vọng trẻ phải độc lập, phải có khả năng tự điều chỉnh, phải tự kỷ luật bản thân để tạo ra dấu hiệu ngừng, để dứt chúng ra khỏi việc sử dụng thiết bị điện tử ở trường là điều không khả thi chứ đừng nói đến ở nhà.
Thiết bị di động thông minh ít nhiều tước đi cơ hội được kết nối với thế giới của chính chúng ta, đó là chưa kể những bệnh lý từ tác hại mà chúng mang đến. Những trò chơi thử thách độc hại bằng chính sinh mạng trẻ em nhan nhản trên các mạng xã hội, những lối sống sai lầm, lệch lạc được tung hô… khiến những đứa trẻ thiếu đi một nhân sinh quan lành mạnh với thế giới xung quanh.
Vì thế, theo những người làm công tác giáo dục như chúng tôi, đã đến lúc nghĩ đến một quy định hạn chế sử dụng thiết bị di động thông minh cho trẻ ở Việt Nam trước khi quá muộn.
ThS giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh
(giảng viên Trường Phát triển Tài năng và Tính cách John Robert Powers)