Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Học Bác đọc báo, viết báo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà báo mà còn là một độc giả trung thành, tích cực của báo chí trong và ngoài nước. Trong nhiều tài liệu mà người viết bài này có cơ may tiếp cận, có một số tác giả kể về chuyện đọc báo của Bác. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng mỗi sáng sớm và đêm muộn, Bác vẫn dành thời gian để đọc hầu hết các tờ báo xuất bản trong ngày. Bác đánh dấu những bài viết quan trọng để đọc lại lần nữa, kỹ hơn. Có những bài báo liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bác gửi cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đọc để nghiên cứu, tham khảo.

 

Học Bác đọc báo, viết báo
Học Bác đọc báo, viết báo (ảnh tư liệu, nguồn internet)

Trong thời kỳ miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc xây dựng và bảo vệ xã hội chủ nghĩa, mỗi khi đọc được tin thắng trận của quân và dân ta trên các chiến trường thì Bác rất vui. Với mỗi bài gương người tốt-việc tốt, khi đọc xong, Bác thường đánh dấu và cho người kiểm tra. Nếu đúng, Người chỉ đạo nhân rộng mô hình và gửi tặng Huy hiệu của Bác. Nếu báo viết chưa đúng hoặc “quá lời”, Bác cũng cho người góp ý, sửa chữa. Cách đọc báo như vậy của Bác Hồ rất đáng để chúng ta học tập, nhất là các đồng chí lãnh đạo trong hệ thống chính trị của chúng ta.

Nhưng rất đáng tiếc, ngày nay, theo tôi được biết thì không có nhiều cán bộ, đảng viên siêng đọc báo. Họ có nhiều lý do để biện hộ cho điều này. Một cán bộ cho rằng ngày nay có rất nhiều kênh thông tin để tiếp cận, không nhất thiết chỉ đọc báo, nhất là báo giấy, trong khi báo giấy đưa tin lại chậm, nhiều tin bài lạc hậu. Điều đó có thể đúng, bởi có một số tờ báo in đã tự gắn nhãn “lá cải” cho mình, làm mất lòng tin nơi độc giả. Nhưng đó chỉ là số ít, còn đại đa số các tờ báo vẫn là nơi đáng tin cậy, thể hiện đúng bản chất báo chí cách mạng, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin có chất lượng, đúng định hướng chính trị, là nơi tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, của những kẻ bất mãn, nói xấu chế độ, phủ nhận lịch sử; đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu; phát hiện, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt-việc tốt trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Là cán bộ, đảng viên, có lẽ không ai không biết về những nhiệm vụ của đảng viên đã được quy định trong Điều lệ Đảng. Việc học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng... là việc làm thường xuyên, liên tục của đảng viên. Và, báo chí cách mạng là một trong những kênh để mọi người đọc, hiểu, tự rèn luyện mình, cái tốt thì noi theo, cái xấu thì tránh đi. Hơn thế, báo chí còn là cầu nối giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng, các tầng lớp xã hội. Đây cũng là một trong những biện pháp chống quan liêu, xa rời thực tiễn, xa rời cơ sở-thứ “bệnh” mà một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc phải.

Không ít người cho rằng, ngày nay làm lãnh đạo, quản lý rất vất vả, nhiều công việc phải xử lý, phải đi cơ sở, phải tiếp xúc cử tri... nên không còn thời gian đọc báo. Không sai, nhưng nếu biết sắp xếp công việc, dành thời gian hợp lý cho việc đọc báo hàng ngày thì không phải là không thể. Như Bác Hồ, dù bận rất nhiều việc nhưng Người vẫn dành thời gian để đọc, để nghe các thông tin trên báo đài. Bác còn trực tiếp viết báo công khai khen ngợi việc tốt, phê bình uốn nắn việc chưa tốt. Học tập và làm theo Bác, nên chăng chúng ta cũng cần quan tâm khía cạnh này. 

Hàng năm, ngân sách nhà nước chi cho công tác báo chí không nhỏ nhằm phục vụ công tác chính trị, tư tưởng của Đảng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên. Nếu là cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên là lãnh đạo, quản lý mà không quan tâm đến công tác báo chí, đến việc đọc sách báo thì có thể nói là một thiếu sót, khuyết điểm cần phê phán một cách nghiêm túc. Cần tạo thói quen say mê đọc báo, như một món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu. Được thế thì không chỉ tự nâng cao sự hiểu biết mà còn nắm bắt thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm