Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Học Bác về phong cách viết báo, làm báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, người thầy vĩ đại của các thế hệ người làm báo. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã viết khoảng 2.000 bài báo đăng ở trong nước và thế giới. Người đã để lại một di sản quý giá đó là phong cách viết báo, làm báo đặc sắc.

Báo chí là công cụ đấu tranh cách mạng

Trong hành trình gian nan tìm đường cứu nước, cứu dân, năm 1917, khi trở lại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu tự học tiếng Pháp và học viết báo. Bởi lẽ, Người nhận thấy rằng, viết báo, làm báo là một trong những phương thức cơ bản để có thể vạch trần bộ mặt kẻ thù, thức tỉnh những “Người cùng khổ” ở các dân tộc bị áp bức nói chung, người dân Việt Nam nói riêng; rằng chỉ khi được tuyên truyền, giác ngộ, được thức tỉnh, quần chúng nhân dân mới có thể tập hợp trong tổ chức, để “dùng sức ta mà giải phóng cho ta”.

Cũng vì lẽ đó, khi đến Quảng Châu (Trung Quốc) để tổ chức huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, Bác đã đứng ra tổ chức báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Từ ngày 21-6-1925 đến tháng 4-1927, tờ báo này đã ra đều đặn được 88 số bằng tiếng Việt, trong đó, Bác trực tiếp chỉ đạo, biên tập, trình bày và viết nhiều bài chính luận sắc bén. Mục tiêu của báo chí lúc này là khởi xướng “Đường Kách mệnh” mới-Cách mạng vô sản, trước hết giành độc lập cho dân tộc. Về sau, khi đã giành được chính quyền, đảm đương trọng trách đứng đầu Đảng, Chính phủ, dù không còn làm báo chuyên nghiệp nhưng Người vẫn tự viết nhiều bài báo quan trọng với những bút danh khác nhau, góp phần tổng kết thực tiễn, định hướng tương lai.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở Chiến khu Việt Bắc (ảnh tư liệu).
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu


Xác định rõ nguyên tắc viết báo, làm báo

Quan tâm đến hoạt động báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dặn dò các nhà báo phải xác định rõ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết thế nào? Trên thực tế, nguyên tắc đó được Người quán triệt và thực hiện xuất sắc trong viết báo, làm báo phục vụ nhiệm vụ cách mạng ở nhiều nơi, nhiều thời kỳ. Với mục tiêu phục vụ rộng rãi nhiều đối tượng khác nhau, Người đã dày công học và có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, với 40-50 bút danh và khoảng 2.000 bài báo đăng tải ở hàng chục nước trên thế giới. Nội dung, thể loại các bài báo của Bác rất phong phú: chính luận, bình luận, bút ký, phóng sự, ghi chép đến những tin vắn, thậm chí minh họa bằng báo-thơ… Tất cả những sản phẩm đó đều phản ánh ý chí, kiên định mục tiêu giải phóng con người, giành độc lập tự do cho dân tộc và thể hiện phong cách đặc trưng riêng có của Người.

Nếu ở thời kỳ đầu hoạt động cách mạng, hoạt động báo chí, thông qua lăng kính tư tưởng và cách truyền bá-phong cách ngôn ngữ, phong cách chuyển tải thông tin đặc sắc của Người, chủ nghĩa Mác-Lênin đã thâm nhập sâu rộng, dung hòa với trường văn hóa Việt, từng bước nâng tầm những người con ưu tú của nước Việt, dần dần thâm nhập các tầng lớp nhân dân lao động, giác ngộ họ, chuyển hóa lý luận khoa học và cách mạng thành “lực lượng vật chất” để cách mạng Việt Nam đủ sức “nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước” trong thời đại sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Khi đã giành được chính quyền, trong điều kiện “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, các bài viết của Người có tính chính luận-lập luận chặt chẽ, dữ liệu đầy đủ, có độ tin cậy cao, góp phần làm sáng tỏ về phương diện lý luận và thực tiễn cuộc đấu tranh chính nghĩa về bảo vệ nền độc lập dân tộc; về công cuộc cải biến cách mạng đang diễn ra trên tất cả lĩnh vực.

Với vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa, ở Người toát lên sự thanh thoát về phong thái, chủ động trong sử dụng ngôn từ, đủ sức cảm hóa, thậm chí “thôi miên” người nghe, người đọc… Năm 1946, Hồ Chí Minh công khai đến Paris để khẳng định về nền độc lập tự do vừa giành được, đồng thời cũng để thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập ấy trước các thế lực cực hữu ở Pháp, có một ký giả-chắc là phe hữu-đặt câu hỏi: “Thưa Chủ tịch, Chủ tịch có thực hiện chế độ Cộng sản ở Việt Nam không?”. Với nụ cười bao dung, Bác nhìn thẳng vào ký giả và nhẹ nhàng nói: “Đồng nghiệp, vì trước đây tôi cũng làm nghề báo, có một câu thành ngữ Pháp: “Đặt câu hỏi ra là có cách giải đáp rồi”. Vậy đồng nghiệp thử nói xem, đồng nghiệp sẽ giải quyết ra sao, trong tình hình hiện nay ở Đông Dương và quốc tế, nếu đồng nghiệp ở cương vị của chúng tôi”… Nhà báo đó chỉ biết cầm bút, đỏ mặt.

Cách chọn tiêu đề cho một bài báo của Bác cũng cực kỳ cụ thể, đơn giản nhưng hết sức rõ ràng, tường minh về thái độ như: “Một hợp tác xã không gương mẫu” hay “Một chi bộ tốt ở nông thôn”. Trong những bài viết này, bằng những dẫn chứng sinh động, có căn cứ xác đáng, số liệu, dữ liệu đầy đủ, Người đã chỉ ra mâu thuẫn, phân tích thỏa đáng sự “xộc xệch, không tiến bộ” của bộ phận lãnh đạo, quản lý hay khái quát để nhận diện “Thế nào là một chi bộ tốt ở nông thôn”, kịp thời biểu dương thỏa đáng thành tích, nhắc nhở chớ tự mãn, đồng thời kêu gọi mọi chi bộ khác học hỏi, để nhân rộng… Có thể nói những triết lý nhân sinh trong công cuộc dựng xây cái mới, khắc phục điều chưa thật như ý đã được Người phản ánh đầy đủ, chuyển tải kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân, khích lệ khát vọng tự hoàn thiện nhân tính của mỗi con người, mỗi cộng đồng cũng là để chấn hưng quốc gia, đất nước.

 

*

*     *


Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang điều chỉnh không gian sống của đông đảo công chúng, người làm báo cần làm chủ công nghệ để truyền tải thông tin thật nhanh và thật chính xác. Để định hướng về sự phát triển của nền báo chí nước ta thời kỳ mới, Đảng ta đã chỉ rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông. Rà soát quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ tục”. Tất nhiên, có nhiều việc phải làm để hiện thực hóa nội dung định hướng trên, từ góc độ điều kiện cần và đủ đối với các tổ chức báo chí và đội ngũ phóng viên, tiếp tục học tập và làm theo phong cách làm báo, viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những định hướng cần chia sẻ để cùng hành động.
 

 PGS-TS. HỒ TẤN SÁNG
 

Có thể bạn quan tâm