Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Học tập và làm theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta... Trước anh linh của Hồ Chủ tịch, chúng ta nguyện suốt đời trung thành với Người, đem hết tâm hồn và nghị lực, đoàn kết thành một khối sắt thép, phấn đấu quên mình, quyết làm tròn nghĩa vụ cao cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân ta và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới”.

 

Những lời trong điếu văn do đồng chí Lê Duẩn-Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969 thật hào hùng, xúc động, thực sự lay động hàng triệu con tim, khối óc của nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ toàn thế giới trong ngày đưa tiễn Bác… Trên thực tế, sau những ngày đau thương đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đoàn kết thành một khối sắt thép “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đưa non sông về một mối, hoàn thành một phần tâm nguyện của Người.

Giờ đây, kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất Tổ quốc (30/4/1975-30/4/2020) và 130 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2020) trong bối cảnh toàn Đảng đang dồn trí tuệ, công sức chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, thiết thực nhất là mỗi cán bộ, đảng viên dành thời gian nghiền ngẫm để hiểu sâu sắc về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng nhau góp sức hoàn thành trọn vẹn những lời thề trước anh linh của Người.

Khát vọng “vì nước, vì dân”

Với tư cách là Danh nhân văn hóa, Anh hùng Giải phóng dân tộc, di sản Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta và nhân loại tiến bộ nói chung rất phong phú, sâu sắc, phản ánh cô đọng những giá trị tư tưởng nhân văn: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong đó, Di chúc là sự đúc kết cô đọng khát vọng “vì nước, vì dân” mà trọn đời Người theo đuổi. Đó cũng là di nguyện cuối cùng Bác để lại cho các thế hệ con cháu chúng ta tiếp bước sự nghiệp của Người.

Bác Hồ làm việc ở Chiến khu Việt Bắc (ảnh tư liệu).
Bác Hồ làm việc ở Chiến khu Việt Bắc (ảnh tư liệu).



Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước nhà được độc lập, nhân dân đ­­ược tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Ngay cả khi tuổi tác đã cao, sức khỏe suy giảm, không đoán biết có thể phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa, Bác còn lo, khiêm nhường “để sẵn mấy lời” cho Đảng, cho dân, cho nước.

Di chúc là văn bản lịch sử thể hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hình thức văn bản, Di chúc chỉ có 1.000 từ nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn của Người. Đó là sự đúc kết cô đọng về lý luận và thực tiễn sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Đó cũng là một thiết kế lý luận về phát triển, trù tính cho tương lai đất nước, sau khi cách mạng hoàn toàn thắng lợi đi vào kiến thiết, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Trong những điều dự liệu cho tương lai, một lần nữa thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, Người yêu cầu phải đặc biệt quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng-nhân tố quyết định mọi thắng lợi của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Học tập và làm theo Bác

Theo tinh thần đó, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, phải chăng cần thấu triệt các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, Di chúc là sự khái quát cô đọng về lý tưởng, lẽ sống “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của dân tộc Việt Nam, của Đảng và của Bác. Đó cũng là nội dung xuyên suốt học thuyết đạo đức chính trị Hồ Chí Minh. Nội dung đó thể hiện đầy đủ, toàn diện trong tư tưởng và toàn bộ cuộc đời cách mạng của Người. Đặc biệt, khi trở thành người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước, Hồ Chí Minh đã thực hiện trọng trách đó với một tinh thần tận tụy và đạo đức trong sáng, mẫu mực: cần-kiệm-liêm-chính, chí công vô tư; đứng ngoài vòng danh lợi để toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Về điều này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lý khi cho rằng: “Điểm cơ bản nhất trong đạo đức của Bác Hồ là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh vì độc lập và tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên nằm trong quần thể Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên nằm trong quần thể Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC



Thứ hai, trong Di chúc, đề cập đến đạo đức cách mạng-lương tâm, trách nhiệm-giá trị đạo đức cơ bản trong đời sống chính trị xã hội Việt Nam khi Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung làm rõ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Theo đó, Người chỉ rõ, “Đảng ta là Đảng cầm quyền (...), là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” .Và để xứng đáng với điều đó, Người nhắc nhở: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”.

Thứ ba, nếu chỉnh đốn Đảng là công việc phải làm trước tiên đối với Đảng thì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công việc đối với con người là công việc đầu tiên Đảng phải quan tâm. Trong Di chúc, Bác quan tâm đến con người một cách rất toàn diện, từ việc coi trọng yếu tố con người đến vấn đề chăm lo lợi ích của người dân; chăm lo bồi dưỡng, giáo dục con người, yêu thương con người... Đó cũng là lý do “cuối cùng”, với tình yêu bao la, Bác đã để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Kiên trì với những nội dung bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập, làm theo Di chúc của Bác sẽ là định hướng, động cơ thôi thúc tất cả những ai nguyện đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hòa bình, công lý và hạnh phúc của con người hôm nay và mai sau. Bởi lẽ đó, đã là đảng viên của Đảng, hơn nữa là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống tổ chức quyền lực chính trị, đương nhiên mỗi người cần tự ý thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm trong sứ mệnh “lo cho dân, cho nước”. Chung đúc lại phải hiểu rằng: Đảng ta, Nhà nước ta ngoài lợi ích phục vụ dân chúng không có lợi ích nào khác. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấu triệt: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh; Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Lường biết những chứng bệnh vốn dễ nhiễm trong các cơ quan quyền lực nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thường xuyên nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải tránh cho được các lầm lỗi, khuyết điểm, những thói hư,­­ tật xấu như: cậy thế, hủ hóa, t­­ư túng, cục bộ, chia rẽ, kiêu ngạo… Để ngăn chặn nguy cơ nhiễm các căn bệnh “tha hóa quyền lực”, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự vấn-tự phê... Khi Đảng cầm quyền, lo cho dân, cho nước, điều quan trọng nhất, Bác dặn dò: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là dịp để Đảng ta thể hiện rõ vai trò, trọng trách của mình đối với dân, với nước. Tất nhiên, công tác chuẩn bị cho đại hội có nhiều việc quan trọng. Xét đến cùng, sự thành công của đại hội các cấp thể hiện tập trung trong mức độ hoàn thành 2 loại vấn đề căn cốt: Thứ nhất, thể hiện tầm vóc trí tuệ trong đánh giá đúng các nguồn lực, dự báo các xu hướng biến đổi của thời đại để xác lập mô hình phát triển của quốc gia, của từng địa phương, ngành-thể hiện tập trung trong báo cáo chính trị của đại hội các cấp vừa “hợp lý, hợp lẽ, hợp thời”, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Thứ hai, thể hiện sự sáng suốt, bản lĩnh trong lựa chọn một đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ ý chí, đủ tài năng để đảm đương trọng trách lãnh đạo, quản lý và vận hành hệ thống, góp phần hiện thực hóa mô hình phát triển đã được lựa chọn (tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thời kỳ tiếp theo).

Trên nền các kết quả đó, các nhân tố lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu mỗi hệ thống cần khuyến khích, huy động trí tuệ, tâm huyết của các thành viên cùng tạo lập thể chế, cơ chế để một mặt, mỗi người, mỗi chủ thể có thể phát huy sự sáng tạo, khẳng định “cái tôi” trong “cái chúng ta”; mặt khác, đó cũng là cơ sở để mọi thành viên có thể tham gia xây dựng, góp ý, hơn nữa là giám sát, kiểm soát hoạt động thực thi công vụ.

Chỉ trên cơ sở thể chế hợp lý, tường minh, phẩm chất, tài năng và đạo đức của người đứng đầu mới được thể hiện, thẩm định bởi sự trong sáng-”vị công” và hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý. Đó là quyết tâm chính trị mà Đảng ta đã thể hiện rõ trong “nói và làm”, là cách thể hiện sinh động sự tiếp nối các giá trị nhân văn, cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

 PGS-TS. Hồ Tấn Sáng
 

Có thể bạn quan tâm