Multimedia

Emagazine

E-magazine “Khát” nhân lực du lịch Kỳ cuối: Giải pháp nào?


Theo kế hoạch, đến năm 2025, ngành du lịch Gia Lai đón 1,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt 900 tỷ đồng và tạo việc làm cho 3 ngàn lao động trực tiếp. Mục tiêu đón 1,1 triệu lượt khách trong năm 2023 hoàn toàn khả thi khi đến thời điểm hiện nay, kết quả các chỉ số đều vượt so với kế hoạch. Du lịch đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, bảo tồn văn hóa, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Trong đó, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là loại hình đầy dư địa để khai thác, phát triển đối với một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp và di sản văn hóa như Gia Lai.



Để có lực lượng lao động lành nghề, góp phần nâng cao chất lượng du lịch thì cơ sở đào tạo là một mắt xích quan trọng. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện chỉ có 1 cơ sở đào tạo nghề du lịch là Khoa Nghiệp vụ du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai). Và, trên thực tế thì công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, nếu không nói là “khát” sinh viên.

Buổi thực hành của sinh viên Khoa Nghiệp vụ du lịch tại “xưởng du lịch” của nhà trường diễn ra khá sôi nổi. Với 3 phòng nghiệp vụ do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, sinh viên thuộc các chuyên ngành có đầy đủ cơ sở vật chất để thực hành các kỹ năng như: set-up bàn ăn, thiết kế thực đơn (lên menu), thực hành dọn buồng phòng, pha chế đồ uống… Em Trần Thị Bích Vân-sinh viên Khoa Nghiệp vụ du lịch đã thuần thục thao tác gấp khăn ăn, set-up bàn ăn theo phong cách Âu.



Tương tự, Đưk là sinh viên chuyên ngành Quản trị nhà hàng. Em đang thực tập tại Khách sạn Pleiku và Em. Còn Kpuih Beeh-sinh viên chuyên ngành Quản trị khách sạn thì đang thực tập tại nhà hàng Thiên Đường Xanh (TP. Pleiku). Theo cô Nguyễn Thị Thúy An-giảng viên Khoa Nghiệp vụ du lịch: “Các em sinh viên năm cuối trong quá trình thực tập được các cơ sở đánh giá cao về kỹ năng, thái độ làm việc. Cá biệt có em còn làm tốt hơn nên được thưởng. Ngoài một số em sau khi tốt nghiệp vì lý do cá nhân không đi làm, số còn lại đều có các nơi đăng ký tuyển dụng ngay từ năm cuối hoặc trong quá trình đi thực tập”.

Không khí học tập sôi nổi là thế, nhưng hiện nay, số lượng sinh viên lại khá khiêm tốn. Năm học 2023-2024, trong khi các chuyên ngành khác bước vào chương trình đào tạo thì chuyên ngành hướng dẫn viên mới chỉ có 5 hồ sơ đăng ký, không đủ điều kiện để mở lớp. Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh-Trưởng khoa Nghiệp vụ du lịch-cho biết: “Khó tuyển sinh còn do tâm lý phụ huynh và sinh viên chưa thực sự cởi mở, chưa hiểu đúng về nghề du lịch. 2 năm vừa qua có 2 khóa tốt nghiệp với khoảng 40 sinh viên, trong đó chỉ có một số em là người Bahnar, Jrai. Chúng tôi hy vọng sau một thời gian, lớp sinh viên này có việc làm, thu nhập ổn định sẽ chứng minh và có câu chuyện kể cho dân làng nghe về nghề du lịch, từ đó làm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân”.



Hiện nay, một số doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương chưa chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề du lịch. Năm 2022, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch mời chuyên gia về bồi dưỡng kiến thức xây dựng mô hình du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cho 8 huyện, thị xã trong tỉnh. Đối tượng là cán bộ phụ trách phòng chuyên môn cấp huyện, cán bộ xã, thôn, buôn, làng, hợp tác xã, hộ gia đình có liên quan đến sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Mục tiêu mỗi địa phương có 50 học viên, nhưng thực tế số lượng học viên rất hạn chế.



Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch còn nêu thực tế đáng buồn khi một số doanh nghiệp thiếu mặn mà cho người lao động tham gia các sân chơi để nâng cao tay nghề. “Hàng năm, Sở tổ chức hội thi tay nghề với các nghiệp vụ để khích lệ tinh thần học tập, nâng cao tay nghề, trình độ của lao động. Nhưng năm nào cũng chỉ hơn chục doanh nghiệp tham gia, không có nhân tố mới. Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động do Sở tổ chức, mời các chuyên gia về truyền đạt kiến thức, các cơ sở kinh doanh cũng thiếu thiện chí trong việc tạo điều kiện cho người lao động tham gia”-ông Hoàng cho biết.

Trong khi đó, doanh nghiệp cũng đưa ra “cái lý” khi cho rằng, phần lớn lực lượng lao động làm việc chỉ có tính chất tạm thời, không ổn định nên không tích cực cử người tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn.




Lý giải việc Gia Lai không thu hút được nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-cho rằng: “Với mức thu nhập như hiện nay, ngành du lịch không đủ sức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Gia Lai cũng chưa có các doanh nghiệp đủ lớn để thu hút trí thức trẻ trở về góp sức cho du lịch địa phương”. Đồng quan điểm, anh Cao Huyền Tuấn Anh-Chủ homestay Tiên Sơn Pleiku-cho hay: Môi trường du lịch ở Gia Lai chưa thực sự chuyên nghiệp, còn manh mún, chính sách đãi ngộ chưa rõ ràng là những rào cản lớn trong việc thu hút nhân lực du lịch.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, giải pháp cho vấn đề này là tỉnh cần có chiến lược cụ thể, còn doanh nghiệp cần có kế hoạch thực hiện. Các doanh nghiệp cần chủ động đăng ký nhu cầu tuyển dụng với cơ sở đào tạo. Rà soát tổng thể nhân lực của ngành, thiếu-đủ ra sao để có chiến lược đào tạo.



Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thì cho rằng: “Nếu Gia Lai có 1-2 khách sạn lớn hoặc có doanh nghiệp đủ mạnh khai thác được tài nguyên du lịch để xây dựng sản phẩm đặc thù như các tour khám phá hang động ở Quảng Bình, mức độ thu hút nhân lực du lịch có trình độ cao sẽ khác, dễ kêu gọi người có chuyên môn từ các tỉnh về. Do đó, việc thu hút, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch có ý nghĩa góp phần giải quyết nguồn nhân lực cho ngành này”.



Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đánh giá việc triển khai kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2021-2025 vào tháng 8 vừa qua, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh-nhấn mạnh: Vấn đề nguồn nhân lực vướng ở đâu phải gỡ ở đó. Trường Cao đẳng Gia Lai với vai trò là cơ sở đào tạo, gặp khó ở đâu cần có kiến nghị, đề xuất với tỉnh để kịp thời tìm cách tháo gỡ, đồng thời ban hành chính sách phù hợp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Trường Cao đẳng Gia Lai cần phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tiếp tục hỗ trợ, tập huấn chuyên môn cho người dân tại một số thôn, làng có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp.



Có thể bạn quan tâm