Thời sự - Bình luận

Khi giá thuốc kháng Covid-19 ở "trên trời"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Molnupiravir, Favipiravir, Favimol... những loại thuốc kháng virus COVID-19 đang được bán với giá cắt cổ, kể cả loại được kiểm soát đặc biệt, được chỉ định miễn phí cho bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ.

Đang có hẳn một thị trường chợ đen, những chợ thuốc mạng với thuốc kháng COVID-19 được bán với giá cắt cổ. Ảnh: Phạm Đông
Đang có hẳn một thị trường chợ đen, những chợ thuốc mạng với thuốc kháng COVID-19 được bán với giá cắt cổ. Ảnh: Phạm Đông
Molnupiravir, giá 2 triệu đồng/hộp. Có nơi 5 triệu, và như TS. Bác sĩ Trương Hữu Khanh “tôi biết có người còn phải mua đến 7 triệu, thậm chí 10 triệu đồng/hộp”.
Thuốc Nga “hàng xách tay”, được bán với giá 2,7 triệu hộp.
Đây là câu chuyện thực tế thị trường, từ những hàng thuốc, và đặc biệt là “chợ thuốc mạng”- theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động.
Đúng là giá ở trên trời.
Và nếu Molnupiravir là loại được kiểm soát đặc biệt, có trong các túi thuốc phát cho bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ hoàn toàn miễn phí thì những cái giá 2 triệu kia hoặc là rất táng tận lương tâm nếu nó được tuồn ra từ bệnh viện, hoặc đang tồn tại những đường dây “xách tay” lậu về Việt Nam.
Nói đến câu chuyện lương tâm, bởi việc “tuồn thuốc từ bệnh viện ra” là từ một điều tra của báo Tuổi trẻ, khi mà người bán “Nói thẳng với chị, hàng này tuồn trong bệnh viện ra, nên đảm bảo uy tín. Hàng cấm bán ở ngoài, nên việc kiểm rất gắt gao". Thậm chí khi người mua tỏ ra hoài nghi về nguồn gốc của thuốc, người bán thậm chí còn cam kết: “Cứ 3-4h sáng, chị cứ đến trước cổng bệnh viện, em sẽ gọi người ra đưa, là y tá của bệnh viện đàng hoàng".
Có thể có việc tuồn thuốc từ bệnh viện ra, hoặc cũng có thể chỉ là một chiêu thức bán thuốc để gây niềm tin. Nhưng tình trạng loạn giá thuốc là có thật. Thuốc được bán với giá trên trời là có thật. Và việc không thể kiểm soát nguồn gốc, độ thật/giả của những viên thuốc từ chợ mạng ấy cũng thật luôn.
Lưu ý rằng thuốc Molnupiravir mới đang được sử dụng trong Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai. Thuốc chỉ cấp phát cho bệnh nhân, không bán trên thị trường. Vì thế, tất cả những hộp Molnupiravir bán ở nhà thuốc hoặc ngoài thị trường là vi phạm.
Tối qua 7.1, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19.
Nhưng thanh kiểm tra chỉ là việc hạn chế phần nào tình trạng bán thuốc trái phép, lợi dụng khan hiếm để trục lợi. Chấn chỉnh các nhà thuốc cũng chỉ là cái ngọn trong việc xử lý triệt để vấn đề.
Bởi, như Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã nói đến một điểm cốt tử: Tiêu cực chỉ có thể phát sinh khi cung không đủ cầu. Giá ở trên trời cũng từ chuyện cung không đủ cầu. Và sự thiệt hại, nếu như không nói là nguy hiểm nếu dùng phải thuốc giả, chỉ luôn thuộc về phía người bệnh.
ANH ĐÀO (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-gia-thuoc-khang-covid-19-o-tren-troi-992862.ldo

Có thể bạn quan tâm