Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Khởi nghiệp "độc, lạ" từ cây ngải cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng hơn 1.200 sinh viên tham gia thi vòng 1 cuộc thi “Giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2017”, họ xuất sắc lọt vào top 3 đề án tranh tài tại vòng chung kết và giành giải ba của cuộc thi với đề án “Trà ngải cứu Chư Pa”. Đó là Phan Thị Kiều Trang và Đinh Phương Linh, 2 cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương.

Nâng tầm cây thuốc quý

“Giải thưởng tài năng Lương Văn Can” là giải thưởng thường niên do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức suốt 7 năm qua với mục tiêu tìm kiếm tài năng kinh doanh trẻ. Năm nay, phần thưởng dành cho thí sinh đoạt giải nhất là 100 triệu đồng, các giải nhì và ba lần lượt 50 và 30 triệu đồng cùng học bổng khóa học tiếng Anh và marketing.

 

Kiều Trang và Phương Linh tại lễ trao giải cuộc thi.              Ảnh: Thanh Hương
Kiều Trang và Phương Linh tại lễ trao giải cuộc thi. Ảnh: Thanh Hương

Tại vòng chung kết Giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2017 vừa diễn ra vào ngày 20-10-2017 tại TP. Hồ Chí Minh, với phần thi thuyết trình bảo vệ đề án kinh doanh, 2 bạn trẻ đang là sinh viên năm 3 Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã thuyết phục Hội đồng giám khảo (các doanh nhân, chuyên gia và người làm công tác giảng dạy) với ước mơ dùng cây ngải cứu để chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Trò chuyện cùng Gia Lai Cuối tuần, Kiều Trang kể về cái duyên với cây ngải cứu: “Ở nhà mình có trồng cây ngải cứu nhưng chỉ trồng với quy mô nhỏ, đủ trong nhà dùng thôi. Mình thấy nó rất tốt, hay được mẹ dùng để nấu ăn, trị bệnh. Mình lên mạng tìm hiểu thêm thông tin thì càng thấy đây là cây thuốc quý. Rồi mình nghĩ, sao lại không sản xuất đại trà và phổ biến rộng rãi cho tất cả mọi người biết và sử dụng?”. Ý tưởng chế biến cây ngải cứu thành thực phẩm chức năng để vừa nâng cao giá trị sử dụng của loại cây này, vừa hỗ trợ sức khỏe cho mọi người (trị mất ngủ, thanh lọc cơ thể, trị mụn, làm đẹp da…) đã đến từ đó. Và cô bạn thân Phương Linh trở thành đồng sự đắc lực, đồng tác giả đề án “Trà ngải cứu Chư Pa”. 2 bạn trẻ giải thích: Chư Pah là nơi gia đình Trang đang sinh sống và là nơi cả 2 dự định sẽ quy hoạch để trồng ngải cứu, song họ thống nhất lấy tên là “Trà ngải cứu Chư Pa” (lược bớt 1 chữ “h”) để dễ nhận diện thương hiệu.

Để hiện thực hóa ý tưởng, cả 2 nhờ gia đình gửi ngải cứu từ Gia Lai vào, phơi khô khoảng 2-3 ngày, sau đó sao nóng, để nguội rồi xử lý thành 2 sản phẩm khác nhau. Một loại được đóng gói thành trà túi lọc; một loại được xay thành bột để phục vụ nhu cầu làm đẹp (đắp mặt). Cả khâu thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm sao cho bắt mắt cũng do 2 bạn trẻ này thực hiện. Họ gặp phải khá nhiều khó khăn trong lúc làm dự án, nhất là khi lập bảng kế hoạch tài chính, số liệu tính toán còn chưa thực tế; để làm ra sản phẩm thực tế phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gửi vào từ quê nhà…

Tuy nhiên, những sự trợ giúp dành cho họ cũng rất nhiều. “Giám khảo cũng chính là những người đưa ra lời khuyên, lời góp ý cho tụi mình về vấn đề chuyên môn, về thị trường, đối thủ cạnh tranh... Bên cạnh đó, tụi mình còn được các bạn, các anh chị là những đội cùng thi động viên, chia sẻ kinh nghiệm. Họ rất nhiệt tình, thân thiện, tạo cho mình cảm giác đây không phải là một cuộc thi với sự ganh đua khốc liệt, mà là một sân chơi để thể hiện bản thân, chiến thắng chính mình”-Linh chia sẻ.

Tại cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã cùng thưởng thức trà ngải cứu, động viên và cho nhiều góp ý xác đáng như: cần tìm hiểu thêm về các tiêu chuẩn của sản phẩm đạt chất lượng, xin giấy kiểm nghiệm chất lượng, thay đổi về mẫu mã bao bì sản phẩm…, qua đó giúp sản phẩm hoàn thiện hơn. “Sau khi trình bày, nhận được đánh giá từ Hội đồng giám khảo, mình thấy tự tin hơn chứ không lo ngại, đồng thời nhìn rõ hướng đi sắp đến để phát huy điểm mạnh và khắc phục những thiếu sót”-Trang kể lại.

Đam mê khởi nghiệp

Tuy chỉ mới là sinh viên năm 3 nhưng cuộc thi “Giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2017” không phải là sân chơi khởi nghiệp đầu tiên mà Trang và Linh tham gia, giành giải. Linh cho hay: “Mình biết đến khởi nghiệp lần đầu tiên là khi cùng Trang tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh lần V-2016” do Đại học Kinh tế-Luật tổ chức, mở rộng cho toàn bộ sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Lúc đó chỉ muốn thử sức với một cuộc thi được treo giải thưởng là một khóa học ở Malaysia. Trong quá trình tham gia, mình mới phát hiện ra rằng việc lập một đề án kinh doanh rất thú vị, dù vất vả nhưng rất vui, có thể cùng ăn cùng ngủ với dự án, chăm bẵm nó như một đứa con tinh thần vậy”.

Và rất bất ngờ là trong lần đầu tiên tham gia thi thố với trên 100 ý tưởng tại cuộc thi, đôi bạn thân đã giành ngay giải nhất với ý tưởng mở nhà hàng cơm lam gà nướng Tây Nguyên. Sau cuộc thi, cả 2 bắt đầu quan tâm hơn về lĩnh vực này và muốn thử sức, muốn học hỏi nhiều hơn ở các cuộc thi khác. “Tụi mình luôn mong muốn có thể vượt qua được giới hạn của bản thân. Cả 2 có cùng suy nghĩ rằng, điều mà người khác nghĩ bạn không làm được thì bạn càng phải cố gắng làm được”-Trang khẳng định quyết tâm. Với họ, những cuộc thi không chỉ đem lại cơ hội hiếm có để gặp gỡ các doanh nhân và những người trẻ đam mê khởi nghiệp mà còn giúp cả 2 biết cách hoạch định chiến lược, tư duy.

Trước mắt, 2 bạn trẻ này có khá nhiều dự định hay. “Do vẫn còn thiếu kinh nghiệm cũng như nhiều yếu tố khác nên chưa thể thực hiện hóa, nhưng tụi mình cũng muốn trở thành bà chủ của nhà hàng cơm lam gà nướng lắm!”. Và dù luôn muốn học thật tốt để tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, song đôi bạn thân cũng cho biết: “Nếu có thể, tụi mình cũng muốn phát triển các sản phẩm từ cây ngải cứu, vì xét đến xu hướng thích sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên, cũng như thông qua các khảo sát thị trường (trên 400 người) thì tụi mình tin rằng sản phẩm sẽ được thị trường đón nhận”.

Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm