Sau khi lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh, Bền Chí Thịnh (người Xê Đăng, 31 tuổi, ở thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) về quê khởi nghiệp với dược liệu rừng, đạt doanh thu cả tỉ đồng/năm.
Anh Thịnh bên dược liệu chuẩn bị chế biến |
Gia đình anh Thịnh có nghề thu mua dược liệu, trong đó có cây thổ phục linh. "Người ta mua cây này nhiều để bào chế thuốc, sao mình không làm?", nghĩ vậy nên cuối năm 2014, anh Thịnh sơ chế cây thổ phục linh làm thuốc.
Ban đầu, anh Thịnh thái ra từng lát mỏng, phơi khô và nấu nước để gia đình uống trước. Sau một thời gian, bệnh đau xương khớp của ba mẹ bớt hẳn, anh liền nghĩ đến việc kinh doanh cây thuốc này.
Thành công với thổ phục linh, anh Thịnh cùng vợ bắt tay sơ chế, chế biến nhiều sản phẩm khác. Ba mẹ làm đông y, 2 chị gái cũng làm nghề đông y. Do vậy, hai vợ chồng anh Thịnh có được nguồn tham vấn đáng quý.
Để mở rộng sản xuất, anh Thịnh cũng đăng ký thương hiệu hộ kinh doanh KORA (lấy hai chữ đầu của tên huyện Kon Rẫy), đồng thời đầu tư 500 triệu đồng để trang bị hệ thống máy móc lò sấy, chế biến, nhà xưởng, sân phơi 2.000 m2, đảm bảo cho lực lượng lao động từ 8 - 10 người làm việc hằng ngày.
"Năm 2017, doanh thu của cơ sở tôi đạt hơn 1 tỉ đồng. Năm 2018, tôi quyết tâm đạt doanh thu 3 tỉ đồng. Tôi cũng đang nghiên cứu các sản phẩm mứt, bánh, kẹo từ hồng đẳng sâm. Đây là sản phẩm tâm huyết sẽ xuất hiện trên thị trường vào thời gian tới"-anh Thịnh chia sẻ.
Hiện có khoảng 30 đại lý ở nhiều tỉnh, thành thường xuyên đặt hàng của anh Thịnh. Tỉnh đoàn Kon Tum cũng trao giải ba cho dự án "Hộ kinh doanh KORA" trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh Kon Tum năm 2017.
Phạm Anh (thanhnien)