(GLO)- Sau gần 1 năm quyết liệt triển khai các biện pháp phòng-chống dịch tả heo châu Phi, vào trung tuần tháng 5, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn thông báo hết dịch trên phạm vi toàn tỉnh Gia Lai.
Việc đẩy lùi dịch tả heo châu Phi là nỗ lực rất đáng ghi nhận của ngành chức năng, chính quyền các địa phương, đặc biệt là người chăn nuôi heo. Tuy nhiên, hậu quả mà dịch tả heo châu Phi để lại là rất nghiêm trọng và dai dẳng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ ngày 14-5-2019 đến 20-4-2020, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 3.472 hộ của 110 xã, phường, thị trấn thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tái đàn, tăng đàn và bảo đảm nguồn cung thịt heo. (ảnh internet) |
Theo đó, toàn tỉnh có 30.594 con heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy với khối lượng trên 1.520 tấn. Thiệt hại về vật chất đối với người chăn nuôi lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, dịch tả heo châu Phi đã khiến cho hoạt động chăn nuôi heo ở nhiều hộ gia đình, trang trại bị đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân và thu nhập của doanh nghiệp. Không dừng lại ở đó, các cấp chính quyền đã phải chi hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ lực lượng tham gia chống dịch và mua trang-thiết bị, vật tư. Ngoài ra, Chính phủ và UBND tỉnh còn dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi. Đến nay, dịch bệnh này vẫn là một trong những yếu tố làm giảm nguồn cung và đẩy giá thịt heo lên cao.
Tuy Gia Lai đã đẩy lùi được dịch tả heo châu Phi nhưng nguy cơ dịch tái phát và lây lan trên địa bàn tỉnh vẫn đang lơ lửng. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, dịch tả heo châu Phi đã tái phát tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tái đàn, tăng đàn và bảo đảm nguồn cung thịt heo. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có Công văn số 3041/BNN-TY về việc tập trung phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát, lây lan diện rộng.
Trong số 20 tỉnh, thành tái phát dịch tả heo châu Phi có tỉnh Đak Lak tiếp giáp với Gia Lai. Ngoài ra, Gia Lai còn có 2 nguồn lây gián tiếp là Đak Nông và Quảng Nam. Tất nhiên, hết dịch thì các hoạt động mua bán, vận chuyển, kiểm dịch, lưu thông heo và các sản phẩm từ heo ra vào địa bàn tỉnh trở lại bình thường. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp và PTNT cũng như chính quyền các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch tả heo châu Phi tái phát và lây lan.
Theo chúng tôi, trước mắt, ngành chức năng cần triển khai hoạt động kiểm dịch đối với heo và sản phẩm từ heo từ các tỉnh: Đak Lak, Đak Nông và Quảng Nam vào địa bàn tỉnh. Để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán heo để nuôi thương phẩm và heo đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định, nhất là tuyến cơ sở. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và PTNT cần khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng con giống sạch bệnh, không vì áp lực tái đàn, tăng đàn mà mua giống heo trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là nguồn giống từ vùng có dịch.
Sau khi công bố hết dịch, ngành chức năng cũng cần sớm tổ chức tổng kết công tác phòng-chống dịch bệnh trong thời gian qua, từ đó đúc rút kinh nghiệm và có chỉ đạo cụ thể về biện pháp phòng ngừa trong thời gian tới nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch tả heo tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.
DUY LÊ