Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống văn hóa: Yêu cầu từ thực tiễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhận thức rõ tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, Ban chỉ đạo phong trào các cấp trong tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động.
Hoạt động thực chất, hiệu quả
Ông Hoàng Nhưn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, Trưởng ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện-cho biết: Những năm qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phong trào đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện, Ban chỉ đạo đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân và mọi nguồn lực để thực hiện phong trào. Huyện luôn gắn nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với công tác thi đua, khen thưởng.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo phong trào cấp huyện và cấp xã còn thành lập đoàn kiểm tra chéo chấm điểm, trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp như: sử dụng kinh phí hoạt động đúng mục đích; lồng ghép phong trào vào chương trình xây dựng nông thôn mới; thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa; công bố các quyết định công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa và hướng dẫn chỉ đạo việc tổ chức đón nhận danh hiệu thôn, làng, tổ dân phố văn hóa.
 Ban chỉ đạo các cấp tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng sinh hoạt văn hóa ở cơ sở. Ảnh: Đ.Y
Ban chỉ đạo các cấp tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng sinh hoạt văn hóa ở cơ sở. Ảnh: Đ.Y
Còn tại Chư Prông, ông Nguyễn Xuân Thường-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho hay: Để việc xét tặng các danh hiệu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đảm bảo tính thực chất, Ban chỉ đạo phong trào huyện thường xuyên hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể hàng tháng và triển khai đến từng thành viên; sau khi hoàn thành việc kiểm tra thì gửi báo cáo về Phòng Văn hóa-Thông tin huyện. “Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo phong trào cấp huyện bình xét các danh hiệu văn hóa. Việc đảm bảo tính thực chất trong quá trình đăng ký, kiểm tra, bình xét, công nhận, trao tặng danh hiệu là nhằm cổ vũ, động viên các thôn, làng, tổ dân phố văn hóa tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được. Bên cạnh xét công nhận danh hiệu mới hàng năm, Ban chỉ đạo cấp huyện và cấp xã tổ chức một năm 2 đợt kiểm tra, đánh giá lại chất lượng các danh hiệu văn hóa, không chạy theo thành tích”-ông Thường thông tin thêm.
Nâng cao chất lượng phong trào
Bà Nguyễn Thái Thị Tường Vân-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) thông tin: Đến nay, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp trên địa bàn tỉnh đã được củng cố, kiện toàn, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và phương thức hoạt động. Mặt khác, Ban chỉ đạo phong trào các cấp đều chú trọng triển khai công tác gia đình, phòng-chống bạo lực gia đình, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa từ 71,32% (năm 2015) được nâng lên thành 76,19% (năm 2019). Đây là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; phường, thị trấn văn minh đô thị. Nhờ đó, chất lượng phong trào ngày càng được nâng cao, góp phần giảm số hộ nghèo trung bình hàng năm 3-4%.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 264.693/347.372 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 1.650/2.161 thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (đạt 76,35%); 28/38 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (73,68%); có 44 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Hầu hết các gia đình đều đóng góp tích cực vào công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ, địa phương, từ đó gắn kết giữa giáo dục gia đình với giáo dục ở nhà trường, xã hội. Phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đã có những chuyển biến rõ rệt, thu hút được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Mặc dù vậy, phong trào vẫn còn một số hạn chế khiến thành tích đạt được chưa thực sự vững chắc như: Ban chỉ đạo cấp huyện một số địa phương chưa thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn cho ban chỉ đạo các xã, thị trấn; Thường trực Ban chỉ đạo phong trào cấp xã chỉ có 1 cán bộ nhưng phải kiêm nhiệm nhiều việc dẫn đến tình trạng vẫn còn hình thức, hành chính hóa phong trào; công tác thanh-kiểm tra trong quá trình triển khai thực hiện còn thiếu quyết liệt...
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thái Thị Tường Vân cho biết: “Thời gian tới, Ban chỉ đạo phong trào các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đưa các chỉ tiêu nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa vào nghị quyết của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp để chỉ đạo thực hiện. Phấn đấu đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 83%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa là 78%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là 85%”.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm