Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Ksor Chol: Đưa dân làng đến cuộc sống ấm no

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người dân ở 2 buôn Bah Leng và Ama San (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đều kính trọng và nể phục ông Ksor Chol. Bởi lẽ, ông có công lập làng và giúp bà con xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh buôn Bah Leng và Ama San trên con đường bê tông phẳng phiu, ông Ksor Chol phấn khởi giới thiệu: “2 buôn hôm nay tựa như phố, những ngôi nhà sàn xây dựng khang trang, đường sá quy hoạch thẳng thớm, ruộng đồng  xanh tốt”. Sự khởi sắc đó gợi lại ký ức của người đảng viên 40 năm tuổi Đảng về thời điểm ông khởi xướng việc lập làng và hướng dẫn người dân trồng lúa nước để “đuổi” cái đói, xóa cái nghèo.

“Cuộc cách mạng” dời làng

Sinh ra và lớn lên tại buôn Ma Rin 2 (xã Ia Ma Rơn), năm 1976, học xong bậc THPT ở tỉnh, ông Chol về lại quê hương sinh sống và tích cực tham gia công tác xã hội. Nhiệt tình, năng động, thông minh, năm 1977, ông được cất nhắc làm Phó Trưởng Công an xã Ia Ma Rơn phụ trách hộ tịch, hộ khẩu. Sau đó, ông đảm nhận nhiều vị trí công tác như: cán bộ Văn phòng UBND xã, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ia Pa. Năm 2012, ông về nghỉ hưu và tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ buôn Bah Leng.  

 Ông Ksor Chol (bìa trái) trao đổi với người dân về ngày đầu lập làng Bah Leng. Ảnh: Đinh Yến
Ông Ksor Chol (bìa trái) trao đổi với người dân về ngày đầu lập làng Bah Leng. Ảnh: Đinh Yến


Ngày còn đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND xã, ông Chol luôn trăn trở về cuộc sống của người dân 2 buôn Bah Leng và Ama San bị chia cắt bởi núi và những con suối sâu, đất đai cằn cỗi. Sau nhiều đêm suy nghĩ, trong đầu ông nung nấu phải làm một cuộc “cách mạng” dời toàn bộ dân cư 2 buôn về định canh định cư ở khu sản xuất của bà con, cách nơi ở cũ gần 3 km. “Tuy nhiên, nghĩ đến phong tục của người Jrai về sự linh thiêng của một ngôi làng gắn liền với những giọt nước, bóng cây kơ nia... thì việc dời làng đến một nơi ở mới quả là mạo hiểm và gian nan. Nhưng không lẽ người dân cứ mãi ở nơi hẻo lánh, đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất? Mà như vậy thì không chỉ đời ông bà, bố mẹ mà tới đời của con cháu vẫn cứ khổ”-ông Chol chia sẻ.

Từ suy nghĩ ấy, giữa năm 1987, ông Chol cùng một số người uy tín ở 2 buôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động bà con di dời đến nơi ở mới. Dần dà, một số người uy tín ở 2 buôn hiểu ra và đồng ý dời về nơi ở mới. Để người dân nghe và làm theo, ông Chol vận động gia đình mình làm trước. Vào một ngày đẹp trời cuối năm 1987, ông Chol quyết định cùng gia đình mình về vùng đất mới làm lễ động thổ dựng nhà. Nhiều ngày sau, trong gia đình cũng không xảy ra việc gì. Lúc này, dân làng mới tin và làm theo.

Hơn 1 tháng, người dân 2 buôn tất bật di dời nhà về nơi ở mới. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện, của xã chung tay hỗ trợ bà con. Ông Chol hồi tưởng: “Mỗi ngôi nhà sàn nặng hàng tấn, cao, to, dài, có khi phải huy động đến hơn 100 người cùng khiêng. Có nhà phải di chuyển xa đến 3 km. Song bằng quyết tâm và tinh thần đoàn kết, tất cả đã làm được điều tưởng như không tưởng”.

Vận động người dân làm lúa nước, xây dựng cuộc sống mới

Tại nơi ở mới, việc đầu tiên ông Ksor Chol làm là hướng dẫn bà con trồng lúa nước. Tuy nhiên, tập quán canh tác làm lúa rẫy của người dân có từ lâu đời, giờ không thể nói suông mà bà con tin và làm theo được. “Vì thế, tôi thực hiện phương châm “làm trước chỉ sau”. Cùng với đó, các ban, ngành của xã trực tiếp về hướng dẫn bà con làm đất, ủ giống, cấy lúa, làm cỏ, bỏ phân... Đến khi thu hoạch, phơi lúa cũng phải làm mẫu cho bà con”-ông Chol kể lại.

Vượt qua bỡ ngỡ bước đầu, bà con dần nắm bắt kỹ thuật và thực hành thành thục ngay vụ lúa nước đầu tiên. Bà Nay Hạnh (buôn Bah Leng) cho biết: Trồng lúa rẫy không phải làm cỏ, bỏ phân nhưng năng suất thấp, lúc được lúc mất. Còn làm lúa nước phải bón phân, làm cỏ thật kỹ và chăm đi lấy nước vào ruộng thì lúa mới đẹp, thóc mới nhiều. Vì thế, bà và các con thường xuyên ra đồng chăm sóc ruộng lúa nước. “Trước làm lúa rẫy chỉ thu 4-5 bao lúa/sào thì nay làm lúa nước thu được mười mấy bao nên ai cũng vui và quyết tâm làm lúa nước”-bà Hạnh chia sẻ.

Năm nay bước sang tuổi 70 nhưng ông Ksor Chol vẫn nhiệt tình với công tác xã hội. Chi bộ buôn Bah Leng hiện có 14 đảng viên, hầu hết đều trẻ tuổi, năng nổ, nhiệt huyết. Dưới sự dẫn dắt của người Bí thư Chi bộ uy tín Ksor Chol, cán bộ, đảng viên và người dân đều nhiệt tình tham gia các hoạt động và phong trào ở địa phương. Đảng viên Siu Khur tâm sự: “Ông Chol như là người cha của dân làng. Tuy tuổi cao nhưng ông vẫn nhiệt tình với công việc, quán xuyến tình hình trong làng. Những gia đình khó khăn, ông càng gần gũi, kêu gọi giúp đỡ, động viên họ nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Những chuyện bất hòa trong gia đình, trong buôn, ông đều lấy cái đúng, cái phải để giảng giải, phân tích thấu tình đạt lý nên người dân luôn đoàn kết, cùng nhau phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống mới”.

Ông Nguyễn Văn Nhật-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn-nhận xét: “Ông Ksor Chol là người rất có uy tín. Việc gì khó ông cũng giải quyết êm xuôi, thực sự là trung tâm đoàn kết trong buôn, trong xã. Ông đã góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là chính sách an sinh xã hội để xã Ia Ma Rơn về đích nông thôn mới vào cuối năm 2021”.                                                     

 

ĐINH YẾN

 

Có thể bạn quan tâm