Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Kỳ 1: Học Bác từ những điều giản dị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Những giá trị cốt lõi nhất trong tư tưởng của Người đã được cán bộ, đảng viên và đông đảo người dân Gia Lai cụ thể hóa bằng những hành động, việc làm ý nghĩa, thiết thực. Từ đó đã xuất hiện nhiều gương người tốt-việc tốt, mô hình hay, cách làm sáng tạo và được nhân rộng, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh, bền vững. 
Trong thư gửi các bạn thanh niên ngày 17-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dặn dò: "Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được".
Lời căn dặn của Bác đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Những việc làm tuy nhỏ nhưng giàu tính nhân văn vẫn đang được các cá nhân, tập thể duy trì.
Sống đẹp, sống có ích
Là giáo viên Thể dục của Trường Tiểu học Phan Đình Giót (xã Ia O) nhưng thầy Nguyễn Đắc Kiên Bình được mọi người biết đến nhiều hơn trong vai trò Chủ nhiệm nhóm từ thiện thanh niên Chư Prông. Suốt 9 năm qua, bước chân thiện nguyện của thầy đã lưu dấu khắp các buôn làng của huyện Chư Prông. Không quản ngại khó khăn, vất vả, thầy giáo Bình luôn tìm đến tận nhà để sẻ chia khó khăn với những phận đời kém may mắn.
Thầy tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Chư Prông. Cha tôi là võ sư Vovinam nên tinh thần thượng võ của cha có lẽ đã thấm vào tôi từ nhỏ. Ngày về công tác tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót, thấy học trò lem luốc trong những bộ quần áo cũ mèm, dép đứt quai, cặp sách xộc xệch, tôi đã kêu gọi, vận động mọi người giúp đỡ các em. Dần dần, không chỉ giúp học sinh của trường mình, tôi còn giúp thêm nhiều học sinh nơi khác, rồi mở rộng đến nhiều đối tượng cần sự giúp đỡ trong các làng, xã của huyện”. Cũng từ những chuyến đi, thầy Bình gặp được những người bạn có tấm lòng nhân ái và nhóm từ thiện thanh niên Chư Prông ra đời. 
Từ nguồn quyên góp của các nhà hảo tâm, anh Nguyễn Đắc Kiên Bình cùng nhóm từ thiện thanh niên Chư Prông đã hỗ trợ xây dựng nhà cho gia đình chị Rah Lan Bếp (xã Ia Kly, huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Vi
Từ nguồn quyên góp của các nhà hảo tâm, anh Nguyễn Đắc Kiên Bình cùng nhóm từ thiện thanh niên Chư Prông đã hỗ trợ xây dựng nhà cho gia đình chị Rah Lan Bếp (xã Ia Kly, huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Vi
Sau giờ dạy học, rồi dạy võ thuật miễn phí, cứ nghe ở đâu có hoàn cảnh cần giúp đỡ, thầy Bình lại đến tận nơi thăm hỏi, sau đó phát động kêu gọi giúp đỡ. Thời gian qua, thầy Bình cùng nhóm của mình đã hỗ trợ xây dựng 36 căn nhà tình thương (22 triệu đồng/căn); giúp đỡ khoảng 1.500 người có hoàn cảnh khó khăn với trị giá hơn 500 triệu đồng; tiếp sức đến trường cho hơn 4.000 học sinh; thi công công trình nước sinh hoạt tập trung ở làng Hle (xã Ia Pia, huyện Chư Prông) trị giá 135 triệu đồng; hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt với nhiều phần quà trị giá hơn 200 triệu đồng; ủng hộ 30.000 chiếc khẩu trang y tế và hàng trăm chai nước sát khuẩn cho vùng dịch Covid-19 trong tỉnh… “Dù làm việc gì, tôi cũng đều cố gắng hết sức, đem lại điều tốt nhất cho các đối tượng mà mình muốn hỗ trợ”-thầy Bình chia sẻ.
Nghề dạy học được ví như công việc trồng cây, nhưng với những “hạt giống” không lành lặn thì việc nuôi dưỡng thật sự không dễ dàng. Ấy vậy mà bà Phạm Thị Hồng (57 Trần Nhật Duật, TP. Pleiku) lại dành trọn đời mình để nuôi dưỡng những hạt mầm khiếm khuyết. Giữa lớp học với hàng chục học sinh mang trong mình chứng tự kỷ, bị câm điếc, chậm phát triển trí tuệ, thậm chí nhiều cháu bị bại não, não úng thủy chỉ nằm liệt một chỗ… bóng dáng nhỏ nhắn của bà Hồng tựa như bà tiên giữa đời thực. Chỉ có tình yêu thương, sự bao dung mới tiếp thêm sức mạnh để người phụ nữ 62 tuổi này làm được việc phi thường đến vậy.
Bà bộc bạch: “Ngay cả những lúc mệt mỏi nhất, bất lực nhất, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Tôi mong muốn các con được hòa nhập với cuộc sống bình thường, được làm những điều cơ bản nhất mà một con người có thể làm. Đó cũng chính là động lực để mỗi ngày tôi tiếp tục với công việc mà mình lựa chọn”.
5-3 Bà Phạm Thị Hồng đã gắn bó với công việc đặc biệt này hơn 30 năm-ảnh P.Linh
Bà Phạm Thị Hồng đã gắn bó hơn 30 năm với công việc dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Ảnh: Phương Linh
Cuộc sống luôn đầy những điều bất ngờ. Có những bất ngờ đầy thú vị nhưng cũng có những tai nạn bất chợt không mong muốn. Và thật may, xung quanh chúng ta vẫn luôn có những con người dũng cảm, sẵn sàng lao vào hiểm nguy để cứu người. Đó là trường hợp của anh Rah Lan Thương (làng Thông B, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) đã kịp thời ứng cứu 3 người dân bị ngạt khí dưới độ sâu 20 m trong quá trình đào giếng nước sinh hoạt.
Hay chuyện về 4 thanh-thiếu niên ở xã Ia Khai (huyện Ia Grai) gồm: Rơ Châm Dih, Ksor Khiêm, Ksor Khoa và Puih Thoan đã không sợ nguy hiểm, lao mình xuống dòng nước lớn để cứu 3 người dân. Có khi “người hùng” là những học sinh 11-12 tuổi như: Rơ Mah Thứ, Kpuih H’Túy, Rơ Lan Khang (Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) đã cứu sống 1 em bé 6 tuổi không may trượt chân xuống hồ nước ở làng Dơk Ngol (xã Ia Dơk).
Lan tỏa sâu rộng
Từ những con người hết sức bình dị nhưng biết sống vì cộng đồng, từ những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa cụ thể đã dần lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đặc biệt, việc học tập và làm theo Bác không dừng lại ở một cá nhân, tổ chức mà đã thành phong trào mạnh mẽ ở các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Tùy vào tình hình, nhiệm vụ thực tế mà việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cụ thể hóa thành các mô hình, chương trình hành động thiết thực.
Đoàn viên thanh niên trong tỉnh cũng tích cực học tập và làm theo Bác bằng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực-ảnh Đức Thụy
Đoàn viên, thanh niên trong tỉnh tích cực học tập và làm theo Bác bằng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Ảnh: Đức Thụy
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tuổi trẻ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã triển khai mô hình “Radio chiến sĩ” để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa đến cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng và người dân trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ về mô hình này, Thiếu tá Nguyễn Chí Vinh-Trợ lý Tuyên huấn (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cho hay: Thông tin chúng tôi chọn để chuyển tải đến thính giả đều là những vấn đề, sự kiện đang được dư luận quan tâm; là người thật, việc thật có sức lan tỏa trong cộng đồng. Đó có thể là chuyện về cô giáo Chu Ngọc Thanh (Trường THCS Hùng Vương, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) với bài thơ “Đất nước ở trong tim” phản ánh công tác phòng-chống dịch Covid-19 đã lay động hàng triệu trái tim cả nước; học sinh vùng biên giới Đức Cơ sẵn sàng đập heo đất ủng hộ toàn bộ số tiền tiết kiệm cho công tác phòng-chống dịch bệnh. Hoặc đơn giản là cảm xúc rất thật của người vợ gửi gắm nỗi nhớ nhung, lời thăm hỏi, động viên chồng và đồng đội đang làm nhiệm vụ trên biên giới…
“Radio chiến sĩ” chia sẻ những câu chuyện thật, cảm xúc thật, không mang tính dàn dựng, thu hút đông đảo thính giả và cộng tác viên. Bình quân mỗi tháng có khoảng 50 ngàn người tiếp cận và có khoảng 7 ngàn người tương tác”-Thiếu tá Vinh cho biết.
Tổ chuyên mục Radio đang phỏng vấn cô giáo Chu Ngọc Thanh-ảnh Phương Dung
Tổ chuyên mục "Radio chiến sĩ" phỏng vấn cô giáo Chu Ngọc Thanh. Ảnh: Phương Dung


Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị với các phong trào thi đua và cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: Năm 2020, hưởng ứng các cuộc vận động trên, người dân trong tỉnh đã tham gia đóng góp, hỗ trợ trên 328,6 tỷ đồng, hiến 132.963 m2 đất, đóng góp 47.338 ngày công lao động làm nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, đường giao thông nông thôn… Toàn tỉnh tiếp tục duy trì 289 mô hình, nhân rộng 49 mô hình và xây dựng mới 68 mô hình giúp đỡ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bà con thôn 6 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) cùng sửa chữa lại tuyến đường-ảnh P.Linh
Người dân thôn 6 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Phương Linh
Việc học tập và làm theo Bác trong lực lượng đoàn viên, thanh niên cũng diễn ra hết sức sôi nổi thông qua các hội thi, cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, nét đẹp tri thức đoàn viên, thanh niên… thu hút hơn 85.345 lượt cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia.
Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-nhấn mạnh: “Tỉnh Đoàn duy trì hiệu quả chuyên mục “Theo dấu chân Bác”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Gương điển hình tiên tiến” trên trang thông tin điện tử. Kết quả đã tuyên truyền, giới thiệu 176 gương người tốt-việc tốt, câu chuyện đẹp, gương thanh niên điển hình, tiêu biểu trong mọi lĩnh vực, góp phần tuyên truyền, phản ánh sâu rộng trong đoàn viên, thanh thiếu nhi noi gương, học tập và làm theo lời Bác”.
PHƯƠNG LINH-PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm