Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Kỳ 2: Khi chỉ thị đi vào cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, các địa phương, đơn vị đặt quyết tâm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị bằng việc tìm tòi, lựa chọn những phương pháp mới, cách làm hay, tạo sức bật làm thay đổi diện mạo mọi mặt đời sống xã hội.
Dấu ấn làng nông thôn mới
Làng Sơn (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) được công nhận là làng nông thôn mới (NTM) đầu tiên trên tuyến biên giới của tỉnh. Vào những ngày cả nước đang hân hoan đón chào bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đường làng, ngõ xóm được người dân dọn dẹp sạch sẽ.
Trưởng thôn Rơ Mah Chiết phấn khởi khoe: “Làng chỉ còn 5 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo. 100% trục đường làng đã được bê tông hóa. Hầu hết hộ dân đều đã làm hàng rào, đào hố rác và làm nhà vệ sinh. Bà con cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; không xả rác bừa bãi, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc”.
Đặc biệt, đến nay, 100% hộ dân trong làng đều có người làm công nhân cho Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15). “Có nhiều người khai thác đạt và vượt chỉ tiêu sản lượng, cuối năm, Công ty thưởng vài chục triệu đồng. Rồi bà con phát triển thêm cây điều, mì, cà phê, cao su tiểu điền. Dự kiến năm nay, làng sẽ tiếp tục giảm thêm 2 hộ nghèo”-ông Chiết nói.
Cán bộ Hội LHPN xã Ia Nan (huyện Đức Cơ phối hợp cùng Đồn bp Ia Nan tuyên truyền hội viên phụ nữ về phòng chống vượt biên, ảnh P.Dung
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) phối hợp cùng Đồn Biên phòng Ia Nan tuyên truyền hội viên, phụ nữ về phòng-chống vượt biên. Ảnh: Phương Dung
Sự “thay da đổi thịt” của  làng Sơn không thể không nhắc đến Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đây là “cú hích” nhằm sắp xếp lại dân cư, bố trí lại đất sản xuất, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con người dân tộc thiểu số.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thay vì trông chờ, ỷ lại, bà con đã chủ động tham gia vào xây dựng NTM. Các cấp, các ngành, các địa phương cũng tập trung nguồn lực đầu tư, do đó diện mạo thôn, làng càng khởi sắc.
4 làng Đồn là những ngôi làng đặc biệt khó khăn của xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện). Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, diện mạo của những ngôi làng này đã có sự đổi mới. Những ngôi nhà sàn được sắp xếp, quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp nằm dọc các con đường bê tông sạch đẹp. Ngôi nhà rông vẫn vững chãi tọa lạc giữa làng. Cách đó không xa, cánh đồng lúa mẫu lớn trải dài cùng những vườn xoài, vườn mít tốt tươi. Sức sống mới đã hiện diện trên vùng đất này. Chứng kiến những đổi thay ấy lại càng thêm thấm thía câu nói của Bác: “Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”.
Ông Đinh Tuy-Bí thư Chi bộ làng Pông (xã Chư A Thai) bày tỏ: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con bây giờ có cuộc sống tốt hơn, điện-đường-trường-trạm đã phủ đến làng. Chúng tôi còn được hỗ trợ trong trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống. Bà con dân làng biết ơn Đảng và Nhà nước lắm”.
Thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhà ở của người dân thuộc 4 làng Đồn (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được giúp đỡ di dời, sắp xếp đến nơi ở mới ổn định hơn. Ảnh: Mộc Trà
Thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhà ở của người dân thuộc 4 làng Đồn (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được giúp đỡ di dời, sắp xếp đến nơi ở mới ổn định hơn. Ảnh: Minh Triều
Theo thống kê, 3 năm qua, từ nhiều nguồn khác nhau, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 975 tỷ đồng để xây dựng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các địa phương đã huy động trên 36 ngàn ngày công và 86.813 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa cùng các công trình phụ. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 83 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn NTM.
Diện mạo mới, sức sống mới 
Nhà của ông Rơ Châm Lin-Trưởng thôn Mít Jép (xã Ia O, huyện Ia Grai) được xếp vào diện to và đẹp nhất làng. Với 5 ha điều và 3 ha cao su, hàng năm, gia đình ông thu nhập 200-300 triệu đồng. Từng là giáo viên nên ông Lin luôn khắc ghi lời dạy của Bác để nhắc nhở bản thân sống tiết kiệm, chăm chỉ lao động. Ông cũng trở thành tấm gương cho người dân trong làng học hỏi, noi theo để từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Ông chia sẻ: “Làng Mít Jép có 241 hộ. Trước đây, cuộc sống của bà con còn nghèo khó lắm. Nhiều người muốn rời làng đi nơi khác làm ăn, tôi thường xuyên động viên, khuyên nhủ và hướng dẫn xin vào làm công nhân, rồi áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Bà con nghe và làm theo. Hiện làng chỉ còn 6 hộ nghèo, chủ yếu là người già neo đơn, gia đình có người thường xuyên đau ốm…”.
Các hội viên Hội Nông dân xã Ia Tô (huyện Ia Grai) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng-ảnh Phương Linh
Các hội viên Hội Nông dân xã Ia Tô (huyện Ia Grai) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. Ảnh: Phương Linh
Sau nhiều năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã mang lại những kết quả khả quan. Điển hình như người dân xã Glar (huyện Đak Đoa) đã biết tận dụng diện tích đất trống để trồng cây gây quỹ.
Chia sẻ về 1,1 ha cà phê chung của làng, ông Hiền-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng Dôr 1-cho biết: “Chúng tôi chia các hộ dân trong làng làm 5 tổ, mỗi tổ chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, thu hoạch 160-200 cây cà phê. Cuối năm sẽ công khai số tiền thu được và người dân họp bàn sẽ trích lại bao nhiêu bỏ vào quỹ dùng chung cho các việc: làm đường, sửa chữa nhà, hỗ trợ hộ nghèo, khen thưởng, ma chay… Còn lại chia đều về các tổ để động viên khen thưởng và hỗ trợ các gia đình vào dịp cuối năm”.
Trao đổi về hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-nhấn mạnh: Cuộc vận động đã từng bước tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân đã bỏ dần hủ tục và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; nhiều gia đình biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất.
Đặc biệt, nhiều gia đình đã dần thay đổi tư duy trong lao động sản xuất, dám nghĩ và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, không ngừng học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hưởng ứng cuộc vận động, các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả như: “Tổ liên kết”, “Cải tạo vườn tạp”, “Dệt thổ cẩm”, “Nữ tiểu thương” của Hội Phụ nữ các cấp; “Giúp đỡ hội viên nghèo”, “Liên kết phát triển kinh tế” của Hội Nông dân; “Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số” của Tỉnh Đoàn…
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp ngành, người dân tộc thiểu số đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất nông nghiệp-ảnh P.Linh
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, người dân tộc thiểu số đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phương Linh
Điểm nhấn dễ nhận thấy nhất trong thay đổi diện mạo NTM ở các thôn, làng trong tỉnh có lẽ phải kể đến các “Con đường hoa”, “Hàng rào xanh” do Hội Phụ nữ các cấp phát động. Huyện Đak Pơ là một trong những địa phương đi đầu về mô hình này.
Bà Bùi Thị Hồng Thắm-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân An (huyện Đak Pơ) chia sẻ: “Để hình thành những “Con đường hoa” cũng không dễ dàng. Thời gian đầu, khi nghe chúng tôi vận động, người dân đều lắc đầu vì cho rằng đây là chuyện bao đồng. Về sau, Ban Chấp hành Hội thống nhất giao cho các thành viên trong tổ tình nguyện lựa chọn trồng điểm. Mỗi tuyến đường chọn 2-3 hộ để trồng. Đến khi người dân thấy trồng hoa trước nhà vừa sạch, vừa đẹp thì tự giác trồng theo”.
Đến nay, 10/10 chi hội phụ nữ của xã đều duy trì các “Con đường hoa” ở cả 2 mùa. Người dân tự chọn giống để trồng và chăm sóc, tưới nước. Đối với 3 đoạn đường lưu không, các thành viên trong tổ tình nguyện nhận trách nhiệm chăm sóc. “Những gia đình đã có hàng rào lưới B40 chúng tôi khuyến khích trồng các loại dây leo có thể ăn lá còn lại thì trồng hoa râm bụt hoặc những cây bóng mát”-bà Thắm thông tin thêm.
PHƯƠNG LINH-PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm