Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Ký ức không quên về Bác Hồ qua lời kể của người cận vệ già

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều năm trời là cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ông Trần Viết Hoàn cảm nhận rõ sự giản dị, gần gũi, tình cảm ấm áp của Người. Những ngày tháng 5 đến, ký ức về vị Cha già kính yêu của dân tộc lại ùa về trong tâm trí của người cận vệ năm xưa.


Ông Trần Viết Hoàn - cận vệ bên cạnh Bác Hồ những năm 1966-1969, nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Vương Đông
Ông Trần Viết Hoàn - cận vệ bên cạnh Bác Hồ những năm 1966-1969, nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Vương Đông



Một con người vĩ đại mà giản dị

Đã gần 80 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, sức khỏe yếu, nhưng khi kể những câu chuyện về Bác Hồ, ông Trần Viết Hoàn - cận vệ bên cạnh Bác Hồ những năm 1966-1969, nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch lại trào dâng cảm xúc, giọng ông nhiều lúc nghẹn lại vì xúc động.

Sau ngày Bác mất, ông Hoàn là một trong số ít những người được giữ lại làm nhiệm vụ giữ gìn di sản của Bác. Trong suốt 38 năm công tác và trong suốt cuộc đời của mình, ông luôn lấy những lời chỉ dạy, những câu nói, hành động của Bác là bài học lớn cho mình.

Ông kể: Bác Hồ đã đi xa hơn 50 năm nhưng mỗi dịp tháng 5 về, nhân dân ta và cả thế giới lại đều nhớ tới Bác rất nhiều. Nhớ về Bác lại càng thấy hình bóng của một vị lãnh tụ thật vĩ đại nhưng cũng rất giản dị, thật gần gũi, luôn chân thành, quan tâm tới mọi người xung quanh. Một con người vĩ đại mà giản dị, giản dị nhưng cũng rất vĩ đại. Nơi ở của Bác là một căn nhà sàn, ở ngôi nhà nhỏ đó luôn có phảng phất hương thơm của hoa bưởi, thanh bạch, tao nhã.

Dưới mái nhà này, Bác Hồ đã nhiều đêm không ngủ, Bác không ngủ vì lo cho cách mạng Miền Nam. Cũng dưới mái nhà đó, Hồ Chủ tịch suốt đời chỉ có ý tưởng trồng cây, trồng người mà không màng châu báu, chỉ thấy nơi đây chân lý dựng nước và giữ nước, thấy tinh thần toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Người cận vệ năm xưa vẫn còn nhớ như in những bữa cơm đạm bạc của Bác. Cũng như mọi nhà, mọi người, mâm cơm của Bác chỉ có bát canh, quả cà, có hôm thêm lát thịt kho hay lát cá kho. Điều đặc biệt, trong lúc ăn cơm, Bác không bao giờ để rơi một hạt cơm nào. Bởi lẽ, Bác biết một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân. Trong lúc đời sống nhân dân còn thiếu thốn, cán bộ, nhân dân phải ăn cơm độn khoai, sắn cho đủ lương thực thì Bác cũng yêu cầu nhà bếp độn cơm cho giống mọi người. Vào chiều thứ 7 hàng tuần, Bác chỉ ăn bữa cháo. Ăn cháo để phần gạo nấu ăn bớt đi, để dành gạo, bớt thê chút gạo cho người nghèo, cho nhân dân.

“Nói điều này trước một cuộc hội thảo, một Giáo sư nghiên cứu về Bác Hồ đã từng rơi nước mắt vì xúc động” - ông Hoàn nhớ lại.

Nhớ mãi lời Bác theo suốt cuộc đời

Nhìn lên di ảnh Bác Hồ treo trên tường, ông Hoàn bỗng xúc động, giọng nói ông có lúc như nghẹn lại. Rồi ông nói tiếp những kỷ niệm nhớ đời của ông khi làm cận vệ của Bác Hồ.

“Tôi có 2 kỷ niệm riêng với Bác đều là khi gánh nước để tưới rau. Lần thứ nhất, khi đang gánh nước, thấy Bác đi qua, tôi bèn lùi lại nhường đường cho Bác đi. Bác thấy vậy và liền bảo: “Này chú, việc của chú làm thì chú cứ làm, việc Bác đi Bác cứ đi, có ảnh hưởng gì đâu”. Lần thứ hai cũng là gánh nước tưới rau và gặp Bác ở bên nhà sàn, tôi cũng lùi lại và đặt gánh nước xuống để chào và nhường cho Bác. Bác liền bảo: “Lần trước Bác đã nói với chú, chúng ta không cần phải câu nệ, từ nay trở đi, các chú phải bình đẳng”. Và lần này Bác đã trực tiếp hỏi thăm gia đình, quê quán của bản thân tôi” - ông Hoàn kể lại.

Cũng theo ông Hoàn, câu chuyện của ông cũng giống nhiều anh em cận vệ trong Phủ Chủ tịch khi đạp xe, mỗi lần thấy Bác thì mọi người xuống dắt xe để chào Bác. Khi đó Bác cũng đã nói: “Chú có việc thì cứ đạp xe mà đi. Bác không phải cái đền mà trước đó có đề chữ “hạ mã” mà khi thấy Bác lại phải xuống dắt xe. Chúng ta đều bình đẳng”. Bác âu yếm, thân tình như vậy. Đó cũng chính là những câu chuyện, những cử chỉ, hành động của Bác mà mọi người nhớ mãi.

Sau khi Bác đi xa, ông Trần Viết Hoàn lại được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để tiếp tục bảo vệ và trông nom di sản của Người. Đây cũng là những năm tháng ông có nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Song sự chân thành, giản dị của Bác Hồ luôn là điều ông khắc cốt, ghi tâm.

Chính vì thế, từ khi làm việc bên Bác cho tới khi trông nom khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, ông luôn toàn tâm toàn ý để bảo vệ sự an toàn cho Người cũng như trông nom di sản của Người. Với ông, đó là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng rất đỗi vinh quang.

Từ việc phục vụ cho Bác Hồ, giữ gìn nơi ở và làm việc của Bác, ông Trần Viết Hoàn đã viết cuốn sách “Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời”, đây là tất cả những gì thể hiện tấm lòng tôn kính của người lính cận vệ năm xưa dành cho Bác. Ngoài ra còn có cuốn sách chuyên về bảo tàng “Giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

“Tôi vinh dự được đón nhiều vị cán bộ, nguyên thủ quốc gia trong thời gian là cán bộ khu di tích. Nhớ về Bác, tôi luôn suy nghĩ phải làm nhiệm vụ đón khách thật chu đáo. Đây là những vị khách tới thăm Bác nên phải đón thật chu đáo, không để Bác phải phiền muộn điều gì. Giữ gìn di sản của Bác cho hôm nay và mai sau” - ông nói.

 

https://laodong.vn/thoi-su/ky-uc-khong-quen-ve-bac-ho-qua-loi-ke-cua-nguoi-can-ve-gia-803783.ldo

Theo VƯƠNG TRẦN - PHẠM ĐÔNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm