Multimedia

Emagazine

E-magazine Làng thanh niên “2 không, 2 có” “Trợ lực” xây dựng nông thôn mới-Kỳ 1: Nhận thức đúng, hành động đúng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngay khi bắt tay vào khảo sát, xây dựng các tiêu chí cho đến khi ra mắt mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có”, Hội LHTN Việt Nam tỉnh xác định đây là nhiệm vụ khó khăn. Nguyên nhân trước hết xuất phát từ thực tế cơ sở với những “rào cản” trong chính cách nghĩ của thanh niên. Cùng với đó, vì là mô hình mới nên tổ chức Hội các cấp vừa triển khai thực hiện, vừa rút kinh nghiệm.

Nhằm khắc phục thực trạng này, tháng 1-2019, Hội LHTN Việt Nam tỉnh lựa chọn làng Trớ (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) và làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) triển khai mô hình điểm. Làng Trớ là làng đặc biệt khó khăn, hơn 98% dân số là người dân tộc thiểu số. Làng có đội cồng chiêng song chủ yếu do người lớn tuổi thực hành. Làng có mô hình phát triển kinh tế của thanh niên nhưng hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững. Nhiều thanh niên không có việc làm ổn định, thường tụ tập uống rượu, quậy phá. Còn làng Ia Nueng có hơn 96% dân số là người Jrai, đời sống có phần thuận lợi hơn. Thanh niên trong làng đã chủ động tiếp cận với khoa học công nghệ, mạnh dạn trong phát triển kinh tế. Làng chưa thành lập riêng đội cồng chiêng nhưng duy trì 1 đội xoang.

Tại làng Trớ, Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp trao tặng cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho thanh niên. Huyện Đoàn Phú Thiện trao tủ sách cộng đồng, hỗ trợ 80 trụ bê tông làm hàng rào quanh nhà rông của làng; tổ chức tuyên truyền phòng-chống ma túy cho hơn 200 thanh-thiếu niên và người dân. Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Gia Lai trao tặng 1 công trình “Thắp sáng đường quê”; Đoàn trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho 200 nông dân và thanh niên.

Với làng Ia Nueng, Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp triển khai nhiều hoạt động như: tặng 200 cây ăn quả kết hợp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho thanh niên; tổ chức hoạt động “Kỳ nghỉ hồng” khám bệnh cho người dân và thiếu nhi; khởi công xây dựng 1 ngôi nhà “Khăn quàng đỏ” trị giá 50 triệu đồng cho thiếu nhi... Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh cũng thường xuyên dự sinh hoạt chi hội để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất tháo gỡ cho hội viên.

Tại làng Ngó (xã Ia Pia, huyện Chư Prông), sau khi triển khai mô hình đã không còn tình trạng thanh niên thất nghiệp; vi phạm an ninh trật tự cũng được kiềm chế; đội cồng chiêng thanh niên duy trì tập luyện, tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện của xã, huyện. Làng chỉ còn 5 thanh niên thuộc hộ nghèo trong tổng số 220 đoàn viên, thanh niên.

Lý giải về việc chọn làng Bẹk để triển khai mô hình, anh Rơ Châm Hách-Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Ia Bă (huyện Ia Grai) thông tin: “So với 7 thôn, làng trong xã thì số lượng thanh niên ở làng Bẹk đông hơn, có mô hình gây quỹ hiệu quả, phong trào thể dục thể thao sôi nổi; việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Vì vậy, chúng tôi quyết định triển khai mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” tại đây”.

Mượn 1,4 ha đất từ quỹ đất trống của làng để thanh niên tham gia trồng cây ngắn ngày gây quỹ là cách làm được Chi hội Thanh niên làng Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê) triển khai từ năm 2018 đến nay. Bình quân mỗi năm, Chi hội gây quỹ khoảng 20-25 triệu đồng. Năm 2021, Chi hội sử dụng nguồn quỹ mua 1 bộ cồng chiêng trị giá 40 triệu đồng để phục vụ các hoạt động văn hóa-văn nghệ. Đồng thời, mua 900 m2 đất trống trong làng đầu tư làm sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, lắp điện năng lượng mặt trời, tạo không gian vui chơi, sinh hoạt cho thanh thiếu nhi.

Bên cạnh đó, Chi hội Thanh niên làng Keo thường xuyên tổ chức các đợt tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế và khuyến khích thanh niên giúp đỡ nhau, vươn lên thoát nghèo. Mới đây, thanh niên của làng đã tham quan mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng của anh Đinh Vun. Từ hộ cận nghèo, sau 3 năm, anh Vun vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá khi sở hữu 6 con dê, 700 cây cà phê, 4 sào mì, 180 m2 ao cá.

Với ưu thế địa phương có mô hình du lịch cộng đồng, Đoàn Thanh niên-Hội LHTN Việt Nam xã Ia Mơ Nông đã kết nối với Hội Liên hiệp phụ nữ xã tổ chức các lớp tập huấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên để đồng hành cùng Chi hội làng Kép hoàn thành tiêu chí “không có thanh niên thất nghiệp”.

Theo thống kê của Hội LHTN Việt Nam tỉnh, đến nay, 100% làng thanh niên “2 không, 2 có” duy trì mô hình vần đổi công giúp nhau làm kinh tế đạt hiệu quả và tạo nguồn quỹ cho hoạt động Đoàn-Hội. Trong Tháng Thanh niên, Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, chương trình “Tình nguyện mùa đông-Xuân tình nguyện”, Ngày chủ nhật xanh… đã có hơn 10.000 lượt thanh niên tham gia hỗ trợ các làng thực hiện tiêu chí 17.3 về “Xây dựng cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn”.

Có thể bạn quan tâm