Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Làng thanh niên “2 không, 2 có” “Trợ lực” xây dựng nông thôn mới-Kỳ 2: Những ngôi làng 4 tiêu chí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung tuần tháng 5, khi mùa màng đã thu hoạch xong, người dân làng Trớ (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) lại quây quần cùng nhau vui vẻ chuyện trò và xem đội cồng chiêng thanh niên của làng luyện tập. Nhờ thường xuyên duy trì luyện tập nên tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi tỉnh Gia Lai lần thứ VI (khu vực 2) do Tỉnh Đoàn-Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức hồi cuối năm 2023, thanh niên làng Trớ đã được chọn tham gia Đội cồng chiêng thanh niên huyện Phú Thiện và giành giải nhất.

Không trực tiếp truyền dạy cồng chiêng, nhưng trong các buổi tập luyện của Đội cồng chiêng thanh niên làng Bẹk (xã Ia Bă, huyện Ia Grai), già Puih Nhen đều có mặt. Theo già Nhen, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong trào tập luyện cồng chiêng được duy trì đều đặn. Đặc biệt, từ khi mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” được triển khai thì mỗi chủ nhật cuối tháng, các thành viên đội cồng chiêng của làng đều có mặt tập luyện.

Trực tiếp quản lý Đội cồng chiêng thanh niên của làng Bẹk, anh Puih Hróc cho hay: “Chi hội chủ động tập hợp thanh niên và tổ chức luyện tập. Ban đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng chúng tôi đã tìm đến người lớn tuổi nhờ truyền dạy cho lớp trẻ và duy trì tập luyện. Thông qua các hoạt động của làng, xã, các hội thi, hội diễn, cồng chiêng ngày càng hấp dẫn thanh niên, họ chủ động gia nhập đội để cùng nhau tập luyện, biểu diễn”. Tại liên hoan cồng chiêng do xã Ia Bă tổ chức lần thứ I-2023, đội cồng chiêng của làng giành giải nhất. Đội cũng đại diện cho xã tham gia biểu diễn tại hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và liên hoan văn hóa cồng chiêng do huyện tổ chức trong nhiều năm.

Đội cồng chiêng thanh niên làng Ngó (xã Ia Pia, huyện Chư Prông) cũng duy trì tập luyện và hoạt động nền nếp. Ngoài bộ cồng chiêng do thanh niên trong làng mua từ năm 1993, vừa qua, làng được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng thêm 1 bộ chiêng cải tiến. “2 bộ cồng chiêng của làng đều giao cho Bí thư Chi Đoàn quản lý. Cách đây 2 năm, làng mời nghệ nhân Rơ Châm Lui (xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) về truyền dạy cho 20 thành viên của đội cồng chiêng thanh niên. Cồng chiêng đã ăn vào máu thịt rồi nên dù có bận rộn thì mọi người vẫn dành thời gian tập luyện, biểu diễn”-ông Kpuih Lam-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ngó-nói.

Cùng với tiêu chí “có đội nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, các làng nói trên cũng đều đạt tiêu chí “có mô hình thanh niên phát triển kinh tế”. Năm 2019, anh Kpă Tô Nit (làng Trớ, xã Chư A Thai) được Hội LHTN Việt Nam tỉnh trao tặng 100 cây mít Thái. Cũng trong khoảng thời gian này, anh Nit tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây và áp dụng trên diện tích 2 ha đất của gia đình.

Tham gia mô hình, anh Puih Hróc đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Anh cho biết: “Mình gieo trồng 2 sào lúa nước để chủ động nguồn lương thực. Bên cạnh đó, mình nuôi 8 con bò để có nguồn phân bón cho hơn 1 ha cà phê. Với hơn 5 ha điều, mình chặt bớt số cây già cỗi chuyển sang trồng hơn 1 ha keo, bạch đàn. Trồng rừng có nhiều cái lợi, ít công chăm sóc, mang lại thu nhập, tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường. Đây là việc mình nghĩ thanh niên cần quan tâm”.

Là Bí thư Chi Đoàn làng Ngó (xã Ia Pia, huyện Chư Prông), anh Nay Jon xác định bản thân phải luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động, nhất là phát triển kinh tế gia đình. Vậy nên, ngoài 2 ha cà phê của gia đình, anh Jon còn nhận khoán 7 sào cà phê của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai để chăm sóc. Năm 2023, gia đình anh thu hơn 5 tấn cà phê nhân và bán với giá 53-63 ngàn đồng/kg.

Theo Bí thư Chi bộ Kpuih Lam, làng Ngó hiện không có thanh niên thất nghiệp. “Trước đây, thanh niên ngại rời làng đi làm ăn xa. Giờ khác rồi, hơn 10 thanh niên của làng đang làm công nhân ở các tỉnh phía Nam; 3 người làm công nhân ở Gia Lai. Thanh niên ở nhà cũng chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi, làm dịch vụ. Thanh niên đi làm xa tiết kiệm gửi tiền về phụ giúp gia đình. Đời sống người dân trong làng ngày càng cải thiện; các tệ nạn cũng hạn chế nhiều”-ông Lam khẳng định.

Đề cập đến việc lựa chọn các tiêu chí để xây dựng, triển khai thực hiện mô hình, anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh-cho biết: “Mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” nhằm mục tiêu cụ thể hóa Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Do đó, việc lựa chọn 4 tiêu chí với 7 chỉ tiêu cụ thể của mô hình đều phù hợp với tiêu chí trong bộ tiêu chí về xây dựng làng nông thôn mới và sổ tay cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Trước khi triển khai mô hình, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến từ cơ sở, tham khảo các cơ quan, ban, ngành, những người có chuyên môn, kinh nghiệm và Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn trước khi triển khai thực hiện trong toàn tỉnh”.

Đa số thanh niên không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà đã tự lực vươn lên, biết sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước và sự hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn-Hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Thanh niên đã chủ động đóng góp ngày công để gây quỹ hoạt động, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, hỗ trợ thanh niên yếu thế... góp phần giúp tổ chức duy trì các hoạt động và phong trào, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo được hình thành, nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm