Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Lê Thị Loan: Tận tụy, sáng tạo vì cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong quá trình 12 năm công tác, chị Lê Thị Loan-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) luôn tìm tòi nghiên cứu về sự tác động của biến đổi khí hậu đến ngành nông nghiệp. Với những kết quả đạt được, chị vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng bằng Lao động sáng tạo.
Từ thực tế công việc, chị Lê Thị Loan nhận thấy ngành nông nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn, nhất là sản xuất phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và khí hậu. Những năm gần đây, vụ lúa Đông Xuân luôn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước. “Từ thực tế ấy, tôi luôn trăn trở làm thế nào để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra đối với cây lúa. Đồng thời, thay đổi nhận thức của người dân về các giải pháp phòng-chống hạn, hạn chế những thiệt hại do biến đổi khí hậu tác động”-chị Loan nói.
Với sự chủ động và sáng tạo trong công việc, chị Loan đã bắt tay thực hiện đề tài: “Một số nghiên cứu và giải pháp phòng-chống hạn hán cho cây lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn huyện Chư Sê”. Đây cũng là 1 trong tổng số 324 sáng kiến được giới thiệu tham gia Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét chọn trong 130 sáng kiến tiêu biểu, xuất sắc nhất cả nước để tôn vinh và trao tặng bằng Lao động sáng tạo năm 2021.
Chị Lê Thị Loan. Ảnh: Đinh Yến
Chị Lê Thị Loan. Ảnh: Đinh Yến
Một trong những lợi ích mà sáng kiến của chị Loan mang lại là đề xuất các biện pháp xử lý đối với cánh đồng lúa vụ Đông Xuân có nguy cơ thiếu nước, gieo trồng đúng lịch thời vụ, sử dụng các giống ngắn ngày, có khả năng chịu hạn cao. Theo chị Loan, khi cây trồng có hiện tượng thiếu nước, cán bộ nông nghiệp cần hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nguồn nước có sẵn như: ao hồ, giếng để bơm tưới; áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng.
Để người dân nắm vững quy trình, chị Loan áp dụng mô hình mẫu “Cánh đồng lúa nước liên kết tại xã Ayun” với tổng diện tích 13 ha để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Qua đó, người dân mạnh dạn thay đổi cơ cấu giống lúa hiệu quả, phát huy nguồn nước của công trình thủy lợi. Mô hình mẫu đạt năng suất 7 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí sản xuất, giá trị làm lợi trung bình đạt 27 triệu đồng/ha.
Xã Ayun có 6 thôn, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn với hơn 80% là hộ nghèo và cận nghèo. Kinh tế chủ lực của xã là mì, lúa. “Người dân áp dụng sáng kiến của tôi để thay đổi phương thức sản xuất cây lúa so với cách truyền thống. Cùng với đó, họ còn biết chia sẻ nguồn nước giữa các hộ trồng cây công nghiệp và hộ trồng lúa. Đặc biệt, bà con khai thác hiệu quả nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo”-chị Loan vui mừng nói.
Chị Lê Thị Loan (thứ 8 từ trái qua) vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao bằng sáng kiến tại lễ tuyên dương công nhân viên chức lao động giỏi, giai đoạn 2021-2022. Ảnh: Đinh Yến
Chị Lê Thị Loan (thứ 8 từ trái sang) vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng sáng kiến tại lễ tuyên dương công nhân viên chức lao động giỏi, giai đoạn 2021-2022. Ảnh: Đinh Yến
Ông Lê Sĩ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê: Những sáng kiến của chị Lê Thị Loan đã được đơn vị áp dụng và đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Đặc biệt sáng kiến “Một số nghiên cứu và giải pháp phòng-chống hạn hán cho cây lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn huyện Chư Sê” đã làm lợi hơn 800 triệu đồng. 
Ông Đinh Yêp (làng Keo, xã Ayun) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên mình và người dân trong làng trồng lúa Đông Xuân. Được Nhà nước hỗ trợ giống lúa, phân bón, thường xuyên có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nên mình thấy dễ áp dụng. Ruộng lúa nhà mình đạt năng suất cao. Từ nay, dân làng quyết tâm chuyển đổi diện tích lúa nước 1 vụ sang 2 vụ để thoát nghèo”.
Ngoài mô hình lúa liên kết, chị Loan còn phối hợp triển khai mô hình mẫu “Chuyển đổi diện tích lúa Đông Xuân thường xuyên bị hạn sang trồng bắp sinh khối gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” với diện tích 19 ha tại 3 xã: Al Bá, Bar Măih và Bờ Ngoong. Năng suất bắp sinh khối đạt 50-55 tấn/ha, doanh thu đạt trên 40 triệu đồng/ha. Trừ chi phí sản xuất, giá trị làm lợi/ha bắp sinh khối đạt 24 triệu đồng. “Mô hình thành công đã tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa Đông Xuân bị hạn sang trồng bắp sinh khối mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho hộ gia đình”-chị Loan cho hay.
Ngoài những sáng kiến trên, chị Loan còn có nhiều sáng kiến áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn như: giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số; sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu… Chị Loan tâm sự: “Trong công việc, tôi luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để điều chỉnh làm sao cho năng suất lao động đạt cao nhất mà không phải mất nhiều công sức. Những sáng kiến của tôi luôn hướng đến người dân”.
ĐINH YẾN
 

Có thể bạn quan tâm