(GLO)- Dự và phát lệnh khởi công dự án thành phần đường bộ cao tốc đoạn từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế sáng 16-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là dự án hết sức quan trọng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình triển khai, xem đây như dự án kiểu mẫu trong toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
Câu chuyện chống tham nhũng được người đứng đầu Chính phủ đề cập, ngay trước khi một dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam chính thức được khởi công. (ảnh internet) |
Vậy là một lần nữa, câu chuyện chống tham nhũng được người đứng đầu Chính phủ đề cập, ngay trước khi một dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam chính thức được khởi công. Điều đó cho thấy, trong rất nhiều phần việc cho đoạn đường hàng ngàn tỷ đồng này (và cũng như vậy đối với tất cả các dự án, công trình quan trọng khác của đất nước) thì tham nhũng được xem như là một yếu tố tác động không nhỏ đến thành công hay thất bại, chất lượng tốt hay xấu của công trình sau khi đưa vào sử dụng. Nó sẽ là đòn bẩy cho phát triển hay là một đống nợ cho nền kinh tế khi không phát huy tác dụng và trở thành gương mặt xấu xí của câu chuyện phát triển.
Dẫn ra câu chuyện này để thấy rằng, tham nhũng là vấn đề thường ngày của một đất nước. Chống tham nhũng vì vậy là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và là trách nhiệm của những người điều hành bộ máy cai quản quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tham nhũng là giặc nội xâm”. Đảng ta gọi tham nhũng là quốc nạn. Một công việc quan trọng mà người đứng đầu Đảng ta-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gần như dành hầu hết tâm huyết để thực hiện mấy năm qua là lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng. Câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận, được người dân thích nghe nhất lúc này cũng là chống tham nhũng, là chuyện vào tù của các quan tham. Chả thế mà nhiệm kỳ này, Thủ tướng lúc nào cũng kêu gọi xây dựng Chính phủ liêm chính-vì dân.
Bởi xét cho cùng, có tham nhũng hay không thì hành vi ấy cũng bắt đầu từ con người. Lòng không tham thì tay không cầm tiền bẩn. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người rất khó tránh hành vi tham nhũng, nhất là người có chức, có quyền. Một cuộc khảo sát mới đây do Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) thực hiện trên 1.175 thanh niên (độ tuổi 15-30) và một nhóm kiểm chứng gồm 465 người lớn tuổi (độ tuổi 31-55) ở 12 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy, cứ 3 thanh niên thì 1 người có hành vi tham nhũng vì lợi ích của bản thân hoặc gia đình, mặc dù họ vẫn mong muốn được sống trong một xã hội liêm chính và hiểu rằng tham nhũng có hại cho thế hệ mình, cho nền kinh tế cũng như sự phát triển của đất nước.
Tham nhũng xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống và với nhiều mức độ từ thấp đến cao, từ tham nhũng vặt đến đại tham nhũng. Từ việc người dân đi làm giấy tờ, xin việc làm, đến khám-chữa bệnh, cứ 5 người tiếp xúc với cơ quan công quyền thì có 2 người phải “hối lộ” để được việc cho mình. Thậm chí, tệ hại hơn là 52% số thanh niên được khảo sát suy nghĩ rằng người liêm chính vẫn có thể nói dối hoặc gian lận, nếu điều đó giúp họ giải quyết được khó khăn cho bản thân và gia đình. Hoặc là việc nói dối, gian lận, vi phạm pháp luật và tham nhũng mang lại nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống.
Gần 2 thập kỷ phát triển nhanh về kinh tế đã đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, sự tích lũy của cải dường như không đi cùng tích lũy những giá trị cốt lõi là minh bạch và liêm chính. Từ tham nhũng vặt cho đến việc ăn cắp hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước đều là xâm phạm giá trị liêm chính. Một thanh niên tham nhũng vặt hôm nay, nhiều khả năng sẽ là một đại quan tham nếu sau này họ trở thành những nhà lãnh đạo trong bộ máy công quyền.
Vì vậy, xây dựng một hệ thống tố cáo an toàn và hiệu quả để người dân có thể tố cáo tham nhũng và các hành vi phi đạo đức mà không lo sợ bị trả thù là việc rất nên làm. Đồng thời, cần đổi mới phương pháp giảng dạy về liêm chính với mục đích truyền cảm hứng cho lớp trẻ học tập về liêm chính và thay đổi thái độ, tư duy về tham nhũng. Đặc biệt, cần khắc phục ngay tình trạng gian lận trong môi trường giáo dục để thế hệ trẻ-tương lai sẽ là những chủ nhân của đất nước-biết rằng giải pháp bền vững nhất, hiệu quả nhất để phòng-chống tham nhũng, hạn chế tham nhũng là mỗi chúng ta hãy sống liêm chính hơn. Đó cũng là điều mà người đứng đầu Đảng-Nhà nước ta căn dặn các đại biểu thanh niên điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác dạy mới đây.
NGUYỄN VÂN