(GLO)- Cổ nhân có câu “Lo xa ắt tránh buồn gần”. Trước tình hình dịch bệnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra, câu nói này càng chí lý.
Các biện pháp phòng dịch đã được huy động (ảnh internet) |
Mấy hôm nay chương trình thời sự liên tục nhắc đến dịch nCoV. Hơn 1 tháng qua, dịch bệnh lây lan từ TP. Vũ Hán (Trung Quốc) ra hàng chục nước trên thế giới làm nhiều người lo lắng. Không lo lắng sao được khi thông tin từng ngày về số người nhiễm bệnh và tử vong cứ tăng dần lên. Đến ngày 4-2 đã có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm nCoV. Và cũng đến thời điểm này, tính cả 1 trường hợp tử vong ở Philippines, 1 trường hợp tử vong ở Hồng Kông thì số người chết trên thế giới do nCoV là 427 người; tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới đã lên đến hơn 20 ngàn. Trong chớp mắt, dịch bệnh đã lây lan khắp nơi và không còn là chuyện riêng của người dân Vũ Hán nữa. Tại Việt Nam đã xác định có 10 người nhiễm nCoV. Con số này sẽ còn tăng nữa do biên giới nước ta giáp với Trung Quốc.
Ông Nguyễn Cường (tổ 4, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) chia sẻ: Dịch nCoV xuất hiện làm đảo lộn mọi sinh hoạt của nhiều người, nhiều nhà và hoạt động của nhiều doanh nghiệp, địa phương. Ông dẫn chứng ngay từ trong gia đình: Đứa cháu ngoại đang học đại học năm 2 chuẩn bị vào trường thì phải đổi vé vào giờ chót. Kế đến, đứa cháu nội đang học lớp 1 vừa rồi được thông báo tạm nghỉ học 1 tuần. “Tôi chăn nuôi heo, làm việc quanh quẩn trong nhà còn có thời gian giữ cháu chứ nhiều gia đình không biết gửi con, gửi cháu ở đâu trong 1 tuần nghỉ thêm, mà công việc đầu năm cũng bộn bề”-ông Cường tâm sự.
Trong câu chuyện với tôi, ông Cường còn nhắc lại chuyện mới năm ngoái xảy ra là dịch tả heo châu Phi. Thu nhập của gia đình ông chỉ trông chờ vào đàn heo nên mỗi khi có thông tin về dịch tả heo hay giá cả lên xuống là y như rằng vợ chồng ăn không ngon, ngủ không yên. “Hết heo rồi giờ lại đến người. Mọi sự lo lắng của con người không biết bao giờ mới hết?”-ông chia sẻ.
Trở lại chuyện dịch nCoV, anh Nguyễn Văn Thành (132/10 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) chuyên rang xay, cung cấp cà phê cho các hàng quán trên địa bàn tỉnh trăn trở: “Dịch bệnh chưa bùng phát nhưng chúng ta cũng phải hạn chế đám đông. Khách vô quán không lẽ lại mang khẩu trang để uống cà phê. Do đó, dịch bệnh phần nào đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp”. Nhìn rộng ra, dịch bệnh nCoV rồi sẽ còn tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công thương) cho biết: Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 500 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tuy chỉ chiếm 16% tổng giá trị kim ngạch nhưng chủ yếu là các mặt hàng nông sản. Do vậy, tình hình dịch lây lan chắc chắn còn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian đến.
Song, cũng không nên quá lo lắng vì chúng ta đã có giải pháp, phương án phòng ngừa và cũng đã có trường hợp khỏi bệnh được xuất viện. Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch và đã chỉ đạo: “Chống dịch như chống giặc”. Do đó, trách nhiệm phòng-chống dịch là của cả hệ thống chính trị. Chắc chắn, thiệt hại vật chất là không thể tránh khỏi, nhưng vì sức khỏe của cộng đồng, của mọi nhà và từng cá nhân hãy cùng chung tay để phòng ngừa dịch lây lan.
LÊ VĂN NHUNG