Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Lối vắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Suốt một mùa xuân, tôi gần như không viết được gì. Thực tình cũng không đến nỗi là không có thời giờ để viết. Nhưng công việc này khá kỳ lạ. Một chút loay hoay của đời sống kim tiền thôi cũng đủ làm nó bị gián đoạn rồi. Nhiều đêm xếp lại trang giáo án, tôi mở máy lên, cốt để gõ lấy đôi dòng làm tin, rằng mình vẫn còn… viết được.

Dạo này, tôi không đi đâu xa hơn đoạn đường từ nhà đến trường rồi từ trường qua phố. Chưa kể, một ngày thường bị vụn ra bởi những điều nhỏ nhặt. Đêm như một đặc ân khi những gì thuộc về đời sống bên ngoài vừa dứt, tôi được ngồi lại với thế giới suy tưởng của mình, rủ rỉ những điều đã mang trong mình suốt một ngày trời đằng đẵng. Và, tôi thèm viết.

Bắt đầu từ đâu bây giờ? Từ cơn mưa chiều mang giông đầu hạ. Từ đứa trẻ con ham nói chuyện trong giờ học nên chẳng thể nào tập trung vào bài giảng của tôi. Hay từ cuốn tiểu thuyết bày lên kệ đã nguội một chuyện tình thê thiết. Hoặc tôi, kẻ độc thân không biết mình vui. Có được bắt đầu từ những điều tẻ nhạt ấy hay không? Văn chương được phép có mặt cho tất cả hay không?

Minh họa: Huyền Trang

Tôi ở cùng bố mẹ trong căn nhà đã xây từ năm tôi 16 tuổi. Bàn viết nằm gọn trong phòng ngủ. Ghế tựa lưng phải kê thêm gối mềm. Cùng với chiếc giường nhỏ bằng sắt, tô màu xanh nhạt hơn da trời; một tủ gỗ hai cánh khép giữ những mảnh áo sơ mi cùng vài ba chiếc đầm “vintage”. Tôi vốn mê những gì thuộc về cổ điển. Căn phòng ngủ có vuông cửa chớp, khoét trên tường cao, đủ để ánh sáng ban ngày lọt vào hong giấy bút. Tôi đã viết bài thơ đầu tiên ở đó...

Người ta có thể đi khắp trái đất để khám phá thế giới lạ lẫm này. Những ngọn núi. Những bãi biển. Những cánh chim trời. Còn tôi, ra vào thường nhật trong căn nhà nhỏ, ngắm đi ngắm lại mấy khóm hoa ngũ sắc trước hiên cũng chỉ để hiểu chính bản thân mình. Xem mình thực sự muốn gì, cần gì, thế nào mới là hạnh phúc. Chuyện này nhiều khi cuốn hút tôi hơn cả những hành trình.

Tôi hay ngờ vực về khả năng viết lách của mình, dù có thể rất đáng để ngờ vực. Sợ những điều mình viết ra không ai chịu đọc hoặc không ai có thể đọc nổi. Trong khi, ước mơ giản đơn nhất của người cầm bút là viết được điều gì có thể đọc. Vậy thì viết tiếp hay dừng lại? Tôi đã chọn viết văn như một cách bộc bạch lòng mình. Giờ nếu không nói ra, cũng không viết ra, tức là im lặng. Một sự lặng im thống khổ. Márai Sándor từng nói đó thôi, con người sống được là nhờ nói ra tất cả. Hay tôi sẽ ngưng cái ý nghĩ, rằng một ngày nào đó mình có thể trở thành nhà văn. Để viết mà không áy náy, không sợ hãi. Để dẫu câu chữ vụng về cũng không thấy hổ thẹn với ai. Và nhất là với lòng mình.

Nói dại, viết văn như đi vào lối vắng. Ở lối ấy, khi đối diện với chính mình, người ta thường đặt nhiều câu hỏi. Chỉ mỗi chuyện “viết gì đây”, “viết về đề tài ấy có cũ quá không” cũng khiến tôi loay hoay. Sự kỳ vọng luôn nhiều hơn những gì ta có thể làm được. Bởi thế mà lắm lúc ta hụt đi niềm tin. Những ngày không viết được gì, tôi bí bách vô cùng. Nhưng, vẫn luôn có gì đó hối thúc tôi. Hình như đằng sau cuộc sống này, đằng sau những gì mắt thấy tai nghe, vẫn luôn hiện hữu những điều mang ý nghĩa thật sự mà chúng ta khó nói, khó viết thành lời.

Tháng tư, những cơn mưa chiều lác đác đổ trên mái hiên. Chẳng hiểu sao, tôi lại muốn viết về một cơn mưa chiều đến thế. Sấm rền rĩ nền trời. Gió lay cành, bứt đi những chiếc lá vàng của phố. Tôi vẫn ôm giấc mơ về cơn mưa hạ êm dịu lòng người, êm dịu đất trời...

Có thể bạn quan tâm