Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Lực lượng Cảnh sát nhân dân Gia Lai: Những chặng đường lịch sử vẻ vang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua các giai đoạn lịch sử, lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an tỉnh Gia Lai đã lập nhiều chiến công xuất sắc, khẳng định vai trò, bản lĩnh và là chỗ dựa vững chắc của các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh phòng-chống tội phạm.

Từng bước xây dựng lực lượng vững mạnh
 

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với việc thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của Công an Gia Lai được thành lập. Theo đó, ngày 23-8-1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai thành lập Ty Trinh sát và Ty Cảnh sát. Thi hành Nghị định số 121/NĐ ngày 18-4-1946 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Ty Công an Gia Lai được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ty Cảnh sát và Ty Trinh sát; lực lượng Cảnh sát nhân dân hình thành ban đầu với 20 đồng chí thuộc Ban Trật tự. Ngay sau khi thành lập, lực lượng Cảnh sát đã triển khai bố trí canh gác bảo vệ các cơ quan làm việc của Ủy ban Kháng chiến hành chính, trại giam; kiểm tra giữ gìn trật tự, bài trừ trộm cắp, lưu manh ở thị xã Pleiku và thị trấn An Khê. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát đã chủ động phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng khác bảo vệ an toàn cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trên cả nước tại Gia Lai và Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam diễn ra tại Pleiku vào ngày 19-4-1946.
 

Thiếu tướng Rah Lan Lâm (thứ 4 từ phải sang)-Giám đốc Công an tỉnh thưởng nóng cho Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy vì có thành tích xuất sắc trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Ảnh: Thúy Trinh
Thiếu tướng Rah Lan Lâm (thứ 4 từ phải sang)-Giám đốc Công an tỉnh thưởng nóng cho Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy vì có thành tích xuất sắc trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Ảnh: Thúy Trinh
Ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Pháp lệnh là văn bản quan trọng đầu tiên thể chế hóa nghị quyết của Đảng nhằm xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân theo hướng chính quy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Từ đó đến nay, ngày 20-7 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.


Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lực lượng Cảnh sát đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, chủ động nắm, đánh giá tình hình, tham mưu cho lãnh đạo Công an các cấp triển khai nhiều phương án chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn khu căn cứ địa cách mạng, các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào công tác tại tỉnh. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát tham gia phá tề, trừ gian, bảo vệ buôn làng, ổn định trật tự vùng căn cứ, vùng giải phóng, chống địch càn quét. Vừa chiến đấu, vừa thực hiện công tác dân vận, lực lượng Cảnh sát từng bước xây dựng và củng cố cả về chính trị, tổ chức, đáp ứng yêu cầu giai đoạn lịch sử đặt ra, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng Cảnh sát nhân dân vượt qua mưa bom, bão đạn, bảo vệ an toàn các kế hoạch hành quân, trú quân, kho tàng, các trục đường giao thông; bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng, tính mạng và tài sản của người dân. Đồng thời, cùng các lực lượng cách mạng liên tục tiến công địch, đánh thắng bọn tình báo, gián điệp, tề ngụy, ác ôn, đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, làm thất bại âm mưu lấn chiếm của địch, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, tiến đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm

 

Đại tá Dương Văn Long. Ảnh: Thúy Trinh
Đại tá Dương Văn Long. Ảnh: Thúy Trinh

Sau năm 1975, mặc dù đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh và sự giúp đỡ của Nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã nhanh chóng củng cố về tổ chức, hoạt động; đưa hàng vạn đồng bào di tản trở về, đăng ký hộ khẩu, cấp giấy thông hành, quản lý các phương tiện giao thông... Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát tuần tra 24/24 giờ ở nội, ngoại ô thị xã Pleiku và một số địa bàn trọng điểm; bố trí lực lượng bám địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành động phá hoại, gây rối trị an; phối hợp các cấp, ngành tổ chức phát động quần chúng thu nộp vũ khí, vật liệu nổ, đăng ký vũ khí; kịp thời truy xét, xử lý các loại tội phạm hình sự. Chỉ riêng trong năm 1975, lực lượng Cảnh sát toàn tỉnh đã điều tra làm rõ 8 vụ cướp của, giết người; bắt tập trung cải tạo 200 tên lưu manh, tội phạm ma túy...


Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, lực lượng Cảnh sát nhân dân chủ động nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng như: Chỉ thị 135/CT-HĐBT ngày 14-5-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; Nghị quyết 09/1998/NQ-CP ngày 31-7-1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng-chống tội phạm trong tình hình mới; Quyết định số 138, 139/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phòng-chống tội phạm, Chương trình quốc gia phòng-chống ma túy… Lực lượng Công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; kịp thời tham gia giải quyết những phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự, không để hình thành “điểm nóng”. Từ năm 1986 đến nay, lực lượng Cảnh sát đã tổ chức bắt, vận động đầu thú hàng trăm đối tượng; triệt phá, làm tan rã trên 200 nhóm cướp, bảo kê, đòi nợ thuê, trộm cắp, cướp giật…; điều tra làm rõ nhiều chuyên án, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhanh chóng truy bắt đối tượng, xử lý tội phạm, kịp thời trấn an dư luận, được người dân đồng tình, ngợi khen. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát nhân dân còn góp phần quan trọng cùng các lực lượng vũ trang của tỉnh đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO, tham gia tích cực vào việc giải quyết ổn định 2 vụ gây rối, gây bạo loạn trên địa bàn tỉnh vào các năm 2001, 2004.

Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, lực lượng Cảnh sát Giao thông ngày đêm bám đường, bám tuyến, thường xuyên mở nhiều đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ gắn với công tác phòng-chống tội phạm ở cơ sở để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng Công an toàn tỉnh luôn thường trực tuyến đầu phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, triển khai các biện pháp phòng-chống dịch, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Công an thường xuyên kiểm tra an toàn cháy nổ; quản lý chặt công cụ hỗ trợ, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; tổ chức cứu nạn, cứu hộ nhanh chóng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Tổ chức tốt công tác tuần tra vũ trang, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình kinh tế trọng điểm; phối hợp tuần tra hàng chục ngàn lượt với các lực lượng dân quân, dân phòng, bảo vệ dân phố; bảo vệ tuyệt đối an toàn hàng trăm ngàn phiên tòa, dẫn giải can phạm nhân phục vụ xét xử, thi hành án; phối hợp các lực lượng khác tham gia bảo vệ thành công nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng của tỉnh... Bên cạnh đó, công tác giáo dục cải tạo phạm nhân đạt nhiều kết quả tích cực; hàng ngàn phạm nhân đã hoàn lương, trở về địa phương làm người có ích cho gia đình và xã hội…

 Lực lượng Cảnh sát Công an tỉnh ra quân tấn công trấn áp tội phạm. Ảnh: Thúy Trinh
Lực lượng Cảnh sát Công an tỉnh ra quân tấn công trấn áp tội phạm. Ảnh: Thúy Trinh



Những năm gần đây, lực lượng Cảnh sát từng bước đổi mới phương thức quản lý nhà nước về an ninh, trật tự từ thủ công sang môi trường điện tử, nổi bật là đã hoàn thành đúng tiến độ Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện tại, Công an tỉnh đang tích cực thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là bước đột phá trong công tác cải cách hành chính để phục vụ người dân tốt hơn.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an tỉnh đã chứng minh lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và Nhà nước, tận tụy phục vụ Nhân dân, đoàn kết, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và bị thương; hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính trong đấu tranh phòng-chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Với những thành tích đó, 60 năm qua, nhiều tập thể và cá nhân đã được Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại. Điển hình như lực lượng An ninh vũ trang Ban An ninh tỉnh (nay là Phòng Cảnh sát Cơ động) vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Phòng Cảnh sát Hình sự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì và 3 Huân chương Chiến công hạng ba…

Thời gian tới, dự báo tình hình các loại tội phạm sẽ gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn. Các loại tội phạm triệt để lợi dụng không gian mạng và có xu hướng câu kết, đan xen với nhau, nhất là tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường… Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát nhân dân càng phải phát huy truyền thống, nêu cao ý thức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu, nòng cốt, chủ động trên mặt trận đấu tranh phòng-chống tội phạm với tinh thần “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của Nhân dân làm lẽ sống của mình”, luôn xứng đáng với 16 chữ vàng mà Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tặng: “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Đại tá DƯƠNG VĂN LONG
Phó Giám đốc Công an tỉnh

 

Có thể bạn quan tâm