Multimedia

Emagazine

E-magazine Phát triển cây ăn quả gắn với du lịch canh nông

(GLO)- Gia Lai có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả đặc sản như: cam, bưởi, nhãn, nho, sầu riêng… Đây là lợi thế để địa phương phát triển cây ăn quả gắn với du lịch canh nông.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong canh tác cây ăn quả gắn với hoạt động du lịch canh nông không chỉ đáp ứng nhu cầu du khách mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo mục tiêu phát triển xanh của tỉnh.

Cách TP. Pleiku khoảng 16 km, vườn nho hữu cơ của anh Đặng Đại Dương (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) là điểm đến hấp dẫn cho những ai thích tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đến đây, du khách được tham quan, trải nghiệm và lưu lại những hình ảnh đẹp bên vườn nho cũng như được thưởng thức những quả nho chín căng mọng ngay tại vườn.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải, anh Dương đã trải qua nhiều công việc trong lĩnh vực xây dựng, ngân hàng. Tuy vậy, anh lại đam mê với nông nghiệp và mong muốn đưa nhiều loại cây có giá trị cao về trồng trên quê hương thứ 2 của mình.

Theo anh Dương, nho là loại cây còn khá mới với mảnh đất Gia Lai nhưng mang lại lợi nhuận rất cao. Tháng 3-2022, anh chọn gần chục loại giống nho để trồng thử. Sau đó, anh quyết định trồng 4 loại nho gồm Bailey (giống nho Ninh Thuận), nho Mỹ đỏ không hạt, nho mẫu đơn (Hàn Quốc) và nho Kyoho (Nhật Bản) trên mảnh vườn rộng hơn 5 sào.

Sau gần 2 năm xuống giống, anh Dương đã bắt tay thu hoạch những quả nho đầu tiên. Thấy vườn nho trĩu quả, du khách khắp nơi thường xuyên đến tham quan, chụp ảnh và mua về sử dụng. Đối với nho Bailey, anh bán với giá tại vườn là 120 ngàn đồng/kg, còn nho Mỹ đỏ không hạt có giá 250 ngàn đồng/kg. Nếu toàn bộ vườn nho đều thu hoạch, sản lượng sẽ đạt khoảng 7 tấn.

Anh Dương cho hay: “Song song với việc mở cửa đón du khách tham quan, hái nho tại vườn, tôi cũng chú trọng tìm kiếm, phân phối sản phẩm đến những cửa hàng trái cây trong tỉnh và các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum. Đồng thời, tôi đang thử nghiệm một số giống nho khác để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng”.

Từ tháng 4-2024, vườn nho của anh Dương mở cửa đón khách. Đến nay, vườn nho đã thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm làm nông nghiệp sạch và thưởng thức sản phẩm.

Tương tự, Farmstay Sâm Phát Ialy (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) cũng phát triển vườn sầu riêng đặc sản rộng 12 ha. Trong đó, khoảng 1.300 cây sầu riêng Musang King-loại sầu riêng ngon nhất thế giới và 700 cây giống Monthong của Thái Lan được canh tác theo hướng hữu cơ bền vững nhằm đảm bảo môi trường, sức khỏe cho người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nhờ đó, vụ thu hoạch vừa qua, vườn sầu riêng của Farmstay Sâm Phát Ialy không những mang lại thu nhập tiền tỷ mà còn là điểm trải nghiệm đầy thú vị cho du khách trong và ngoài nước.

Là một trong những du khách Ấn Độ đến nghỉ dưỡng tại Farmstay Sâm Phát Ialy, anh Mammen James rất yêu thích khung cảnh nơi đây. Anh chia sẻ: “Mỗi sáng thức dậy, tôi được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thưởng thức những bữa ăn rất ngon cùng nhiều dịch vụ mới lạ khác.

Các điểm du lịch ở đây cách nhau không xa, trong một ngày, bạn có thể đi được nhiều nơi để thưởng ngoạn phong cảnh cũng như khám phá những nét văn hóa đặc trưng của người dân địa phương. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch sầu riêng, bạn không chỉ được trải nghiệm hái quả mà còn có cơ hội thưởng thức sầu riêng sạch ngay tại vườn, rất thú vị”.

Ông Nguyễn Chất Sâm-Chủ Farmstay Sâm Phát Ialy-cho biết: “Năm 2024, dù mới bước vào vụ thu hoạch đầu tiên nhưng vườn sầu riêng của tôi cho sản lượng hơn 50 tấn quả, mang lại lợi nhuận hơn 4 tỷ đồng. Bên cạnh bán cho thương lái, chúng tôi còn phục vụ rất nhiều du khách đến trải nghiệm thu hoạch, thưởng thức cũng như mua sản phẩm sầu riêng cấp đông mang về làm quà tặng.

Đặc biệt, sản phẩm sầu riêng của Farmstay Sâm Phát Ialy được trao giải thưởng “Thương hiệu phát triển bền vững châu Á-Thái Bình Dương 2024”. Đây là tiền đề để chúng tôi xây dựng thương hiệu, phát triển thêm nhiều loại hình du lịch kết hợp trải nghiệm làm nông nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, nghỉ dưỡng tại Farmstay trong vụ sầu riêng tới, chúng tôi đang tập trung đầu tư thêm phòng nghỉ dưỡng cũng như chuẩn bị thêm khu vực cắm trại phục vụ du khách dự kiến sẽ tăng cao”.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã có vườn sầu riêng hơn 1.000 cây sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đang thu hoạch của Farmstay Sâm Phát Ialy thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đây là tiền đề để huyện tiếp tục nhân rộng nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm mô hình du lịch canh nông của địa phương trong những năm tới.

Để đánh thức tiềm năng du lịch canh nông, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Nguyễn Tấn Thành, các địa phương cần có quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp thế mạnh nhằm thu hút đầu tư. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn có ưu thế để phát triển du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan sạch đẹp, môi trường trong lành, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.

“Mặt khác, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch canh nông khi vào mùa quả chín.

Ngoài ra, để phát triển du lịch nông nghiệp thì không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp lữ hành. Đây là mắt xích quan trọng giúp du lịch nông nghiệp có sức hút cao nhất. Do đó, các địa phương cần chủ động liên kết, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh hoạt động, kết nối các điểm du lịch với nhà vườn”-ông Thành nêu giải pháp.

Có thể bạn quan tâm