Thời sự - Bình luận

Miếng rẫy 4 tỉ và "đinh 10" dưới thảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một miếng đất rẫy rộng 1 sào Trung bộ (1/20 héc ta) tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được chủ đất hét giá đòi bồi thường 4 tỉ đồng. “Nạn nhân” – không có từ nào chính xác và phản ánh đúng nỗi đau của nhà đầu tư bằng từ này, là công ty đầu tư làm điện gió theo lời mời gọi của địa phương và chủ trương của Chính phủ.
Việc giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng đột biến khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các trụ điện gió để kịp tiến độ hòa lưới điện vào tháng 10.2021. Ảnh: Lam Chi.
Việc giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng đột biến khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các trụ điện gió để kịp tiến độ hòa lưới điện vào tháng 10.2021. Ảnh: Lam Chi.
Đây chỉ là một trường hợp điển hình mà báo chí gọi tên. Trên thực tế, các nhà đầu tư điện gió đã và đang đối mặt với muôn vàn khó khăn trong công cuộc đền bù, giải phóng mặt bằng để có diện tích thực hiện dự án.
Các nhà đầu tư đã và đang phải bồi thường, mua lại đất rẫy (đất trồng cây lâu năm hoặc đất nông nghiệp khác) với giá cao hơn hàng trăm, hàng ngàn lần giá quy định của nhà nước, cao gấp hàng chục lần theo giá thị trường. Lý do là phía nhà đầu từ phải chạy cho kịp tiến độ phát điện vào tháng 10/2021 (sau thời điểm đó, ngành điện không cho hòa lưới, không mua điện); phía các chủ đất thì nắm “được thóp” đó của nhà đầu tư nên chỉ sau một đêm là đòi giá mới, cao hơn.
Để cho nhà đầu tư “tự bơi” trong “cuộc chiến” giá đất đền bù giải tỏa mặt bằng, nhìn ở nhiều phương diện đều góp phần đưa lại những hậu quả xấu cho nền kinh tế. Đền bù giá cao, cao một cách bất thường như với các dự án điện gió ở Quảng Trị sẽ tạo ra những tiền lệ xấu, những hệ lụy khó lường trong nay mai. Về mặt tài chính, nó trực tiếp “đánh” vào nguồn tín dụng vay của nhà đầu tư, và những rủi ro tài chính của dự án sẽ đến từ những khoản tiền bồi thường đất “chưa hề tưởng tượng nổi” trong quá trình lập dự án.
Cùng với đó, việc thi công hệ thống đường dây truyền tải, hạ tầng để mua điện, giải tỏa công suất từ các dự án điện gió cũng đang phải “chịu trận” về giải phóng mặt bằng. Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân vừa có chuyến thực địa hiện trường việc thi công các hệ thống giải tỏa công suất cho “trung tâm năng lượng miền Trung”.
Tại Hướng Hóa, chứng kiến việc thi công các trụ điện cao thế bị gặp trở ngại do chưa có mặt bằng, ông Trần Đình Nhân nói rằng muốn hệ thống giải tỏa công suất điện gió đúng tiến độ (tháng 10/2021) thì trong tháng 3 này, UBND tỉnh Quảng Trị phải hoàn thành việc bàn giao mặt bằng thi công.
Vậy mà vẫn còn hàng chục trụ cao thế chưa có mặt bằng thi công. “Cuộc chiến” đòi đất giá cao, cao không thể chấp nhận được vẫn diễn ra. Lâu nay, nhiều người vẫn chắc chắn rằng chỉ có nhân viên công vụ trong bộ máy công quyền mới có quyền “rải đinh dưới thảm” đối với các nhà đầu tư. Nay mới thấy, một chủ của miếng đất rẫy bé tẹo cũng đã có quyền rải đinh 10 dưới thảm.
Việc đòi đền bù đất giải tỏa với giá bất thường, cao hơn giá đất do Nhà nước ban hành nhiều lần phải được coi là hành vi bất thường. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phải nhận trách nhiệm và có giải pháp để cùng với nhà đầu tư giải quyết đền bù, thu hồi đất phục vụ dự án một cách minh bạch, công bằng, hợp lý hợp tình.
Nhổ đinh dưới thảm đầu tư thì đinh nào cũng khó, nhất là đinh nhỏ. Nhưng đinh 10, to, dễ thấy thì e rằng, sẽ dễ dàng hơn. Vấn đề là có quyết tâm nhổ hay không mà thôi.
LÂM CHÍ CÔNG (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mieng-ray-4-ti-va-dinh-10-duoi-tham-891028.ldo

Có thể bạn quan tâm