Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Mo cau ngày cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Nửa đêm nghe tiếng tàu cau rụng/Trở mình nội phẩy chiếc quạt mo/Đêm hè tôi ngủ tròn giấc mộng/Thương nhớ mo cau đã cũ càng”. Đọc những câu thơ của bạn, tôi rưng rưng nhớ về chiếc mo cau một thời ở quê nhà.

Nội tôi thuộc lớp người nhuộm răng đen, ăn trầu nên vườn nhà không thiếu hàng cau, giàn trầu. Tôi lớn lên đã thấy hàng cau quanh nhà cao bằng ngọn tre đầu ngõ. Cây nào cũng trổ buồng, hoa trắng rụng đầy lối đi, dịu dàng tỏa hương.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Thi thoảng có vài tàu cau úa vàng rụng xuống, tôi lại nhặt về cho nội. Nội chia tàu lá cau làm hai: phần mo cau đem phơi khô rồi ép dưới cối giã gạo cho thẳng thớm; phần xương và lá thì tước ra để bó chổi quét sân nhà.

Nội có vẻ quý chiếc mo cau hơn. Nó được dùng vào nhiều việc như: chằm gáo múc nước, gói cơm cho người đi làm đồng và phổ biến nhất là làm quạt mo. Nội lựa những chiếc mo cau dày, có độ dẻo dai rồi cắt thành chiếc quạt mo tròn trịa, có tay cầm.

Mùa hè ở miền Trung, trời nắng gay gắt, ngồi đâu mồ hôi cũng túa ra. Do vậy, mọi người thường cầm chiếc quạt mo phe phẩy để xua đi cái nóng bức. Tôi cũng được nội dành riêng cho một chiếc và cẩn thận ghi tên mình trên quạt để không bị cầm nhầm. Hồi ấy, tôi thích ngủ chung giường với nội để được hưởng gió mát từ chiếc quạt mo mà bà phe phẩy suốt đêm không biết mỏi.

Nói về chiếc quạt mo, nội còn dạy tôi bài ca dao “Thằng Bờm”. Thi thoảng, nội lại kiểm tra xem tôi có thuộc bài không rồi còn phải hát theo nhịp, luyến láy đúng điệu của dân ca. Tôi cứ làm theo lời nội dạy cho dù khi đó chưa hiểu bài ca dao đó có ý nghĩa như thế nào.

Trong đầu óc tôi bấy giờ chỉ có suy nghĩ non nớt rằng “cái quạt mo của Bờm có điều gì thần kỳ, quý giá mà phú ông đòi đổi những tài sản to tát đến thế? Và tại sao cuối cùng phú ông xin đổi nắm xôi thì Bờm cười? Chẳng lẽ Bờm đồng ý đổi chiếc quạt mo của mình chỉ để lấy nắm xôi thôi sao? Đúng là Bờm ngớ ngẩn thật!”. Lúc đó, nội không giải thích gì thêm cho tôi hiểu mà chỉ khẽ cười.

Chiếc mo cau sau khi hong khô, bên trong vẫn còn lớp lụa trắng mịn. Trước khi gói cơm để đem ra đồng hoặc lên núi đốn củi, nội thường đem nhúng nước cho nó mềm ra rồi mới bới cơm vào, rắc thêm ít muối đậu hay muối mè sau đó cuộn tròn hoặc gấp lại thành hình chữ nhật và buộc dây lạt cẩn thận. Cơm đựng trong mo cau giữ được nhiệt khá lâu và khi mở ra có mùi thơm dễ chịu, ăn rất ngon. Nhiều lần theo nội ra đồng, tôi cũng được thưởng thức món cơm bó trong mo cau.

Còn chiếc lu nước bằng sành để bên cây khế ở chái bếp nhà, nội tôi cũng dùng mo cau chằm thành cái nón đậy miệng lu để lá cây, bụi bặm không rơi vào. Cái gáo múc nước nội cũng chằm bằng mo cau, luôn mắc lên chạc cây khô bên lu nước.

Hồi ấy, tôi không có khái niệm uống nước lọc đun sôi mà mỗi khi khát nước thì mở lu ra, dùng chiếc gáo bằng mo cau múc đầy nước lạnh, uống một mạch đầy bụng thì thôi. Cảm giác những ngụm nước mát lành, ngọt ngào đến từng thớ thịt! Mùa nắng nóng đi đâu về, người nóng bức, khát khô, chỉ cần múc gáo nước lạnh trong lu ực một hơi đã thấy toàn thân mát rượi và như khỏe hẳn ra.

Những khi nội đi vắng, có chiếc tàu cau nào rụng, tôi thường hú bạn hàng xóm qua chơi trò “kéo xe”. Hai đứa oẳn tù tì, đứa nào thua thì phải kéo đứa ngồi trên mo cau, chạy quanh sân gạch. Cứ thế, chúng tôi thay nhau nắm đầu tàu lá cau và ra sức kéo đứa ngồi xếp bằng trên mo cau, lôi đi sền sệt đến khi mồ hôi nhễ nhại, chiếc mo mòn vẹt và cái sân gạch phẳng lì, đỏ au… mới chịu dừng lại.

Nội rất tinh ý, mặc dù tôi đã đem tàu cau dùng làm xe kéo giấu trong bụi rậm sau nhà nhưng khi về nhìn cái sân gạch là bà biết ngay. Nội không mắng mà chỉ quở nhẹ: “Mấy đứa ở nhà phá hư hết tàu cau của nội hỉ! Ngày mai, nội lấy gì gói cơm cho cha con đi núi đây!”.

Nói thế, nhưng bao giờ nội cũng dự trữ cả chục chiếc mo cau để dùng khi cần thiết. Người nhà quê bao giờ cũng cần kiệm, đến từng chiếc mo cau cũng không để lãng phí!

Có thể bạn quan tâm