Thời sự - Bình luận

Mở thêm cánh cửa xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo nhận định, năm 2022, đại dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu có thể tiếp tục khó khăn. 
Trong bối cảnh đó, thời gian qua, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng các cơ quan chức năng, thương vụ Việt Nam ở các nước… đã nhanh nhạy chuyển sang các kênh quảng bá, xúc tiến thương mại trực tuyến, khai thác triệt để các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới để hỗ trợ xuất khẩu. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công thương, ước tính cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể đạt 667,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Đây có thể coi là kỳ tích trong một năm đầy biến động, đại dịch bùng phát toàn cầu, đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nặng nề tới tất cả các doanh nghiệp.
Thực tiễn cũng cho thấy lợi ích và tiềm năng của TMĐT nói chung, TMĐT xuyên biên giới là rất lớn. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã đạt 17 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 46% và dự báo sẽ đạt 29 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng 34%, cao hơn các ngành khác như vận tải, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và thực phẩm. Còn theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường TMĐT càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang là phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang mua hàng online, không chỉ ở thị trường nội địa mà tại các thị trường quốc tế, trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Vì vậy, TMĐT xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu, trở thành trào lưu ở các nước phát triển TMĐT như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Theo Bộ Công thương, tốc độ ứng dụng TMĐT của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập niên qua. Trong năm 2020, Trung Quốc xuất khẩu qua TMĐT tăng hơn 40% lên 1.120 tỷ NDT, nhập khẩu hàng hóa từ thị trường nước ngoài qua TMĐT đạt 570 tỷ NDT, tăng trưởng 16,5%. Tại thị trường EU, doanh số TMĐT xuyên biên giới của 16 nước năm 2020 đạt 146 tỷ EUR, chiếm 25,5% doanh số TMĐT của cả châu Âu. 
Tại Việt Nam, bên cạnh khai thác các sàn TMĐT xuyên biên giới quy mô lớn và nổi tiếng như Amazon.com, Ebay.com (Mỹ), Lazada.com (Đức)… trong năm 2021, có thêm 2 sàn TMĐT quy mô nhất, nhì Trung Quốc là Alibaba.com và JD.com được Bộ Công thương kết nối vào thị trường Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng tới người tiêu dùng thế giới hoặc qua các sàn để quảng bá, tiếp cận đối tác nhập khẩu. Bộ Công thương cũng vừa mở “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn JD.com. Không chỉ phụ thuộc các sàn TMĐT nước ngoài, sự kiện đáng chú ý là tháng 6-2021, lần đầu tiên nông sản Việt Nam đã xuất khẩu sang EU bằng chính nền tảng TMĐT Việt Nam khi Cục TMĐT và Kinh tế số hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), sàn TMĐT Voso xuất khẩu thí điểm 3 tấn vải thiều Bắc Giang sang Đức thành công.   
Có thể khẳng định, kênh TMĐT xuyên biên giới đang mở ra cánh cửa lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hàng hóa, đưa thương hiệu Việt đến người tiêu dùng quốc tế, giảm được rất nhiều chi phí mà nếu xúc tiến theo cách truyền thống như tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị quốc tế… thì không kham nổi (ngay cả trong điều kiện không có dịch bệnh). Các hiệp định thương mại được ký kết với Liên minh châu Âu (EVFTA), Vương quốc Anh (UKVFTA), khu vực ASEAN và các đối tác (RCEP), nhất là Hiệp định TMĐT ASEAN vừa có hiệu lực từ ngày 2-12 càng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số để “xuất khẩu trực tuyến”, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để không tụt hậu so với thế giới, ngay từ bây giờ, Việt Nam tập trung cho TMĐT xuyên biên giới để hỗ trợ xuất khẩu là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Cùng với sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước, điều quan trọng là chính các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt cơ hội này để chuyển đổi, khai thác triệt để lợi thế của TMĐT xuyên biên giới vào quảng bá, xúc tiến thị trường, tìm kiếm đối tác xuất khẩu. 
VĂN PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm