(GLO)- Trong phòng khách của gia đình, ông Hồ Văn Hiển (tổ 5, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cẩn thận lập bàn thờ Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất. Lúc nào trên bàn thờ Bác cũng có hoa quả tươi và hương trầm.
Ông Nguyễn Công Quế (tổ 9, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) lập bàn thờ Bác Hồ tại gia đình. Ảnh: Hoàng Cư |
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Công Quế (70 tuổi, ở tổ 9, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cũng xuất phát từ sự yêu kính, biết ơn Bác Hồ mà lập bàn thờ Bác. Am hiểu sâu sắc và tích cực tuyên truyền về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Quế được nhiều người ở địa phương quý mến. Ông luôn say mê, nhiệt huyết trong các phong trào, cuộc vận động ở địa phương. Nhiều năm nay, ông được bầu làm Trưởng ban liên lạc Hội Đồng hương huyện Nam Đàn tại TP. Pleiku. Hội luôn phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống hiếu học, cách mạng của quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các thành viên tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ, tổ chức dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ và báo công với Bác Hồ mỗi dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn. Đến nay, Hội Đồng hương huyện Nam Đàn tại TP. Pleiku đã xây dựng quỹ Hội hơn 70 triệu đồng. Bà con Nam Đàn tại Phố núi Pleiku thường tổ chức dâng hương, dâng hoa, báo công với Bác Hồ tại Bảo tàng tỉnh dịp sinh nhật Bác (19-5), Quốc khánh (2-9), mừng năm mới...
Lập bàn thờ Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất trong nhà là nét đẹp văn hóa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nối tiếp truyền thống cách mạng cần nhân rộng, góp phần thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ông Nguyễn Hải Bình-Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cho biết: “Ngoài việc lập bàn thờ Bác Hồ trong nhà riêng, thành viên Hội Đồng hương huyện Nam Đàn tại TP. Pleiku còn tổ chức đến Bảo tàng tỉnh dâng hoa, dâng hương, báo công với Bác Hồ rất trang trọng. Đây là nghĩa cử nhân văn rất đáng quý và cần phát huy”.
HOÀNG CƯ