Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Một thời rượu mía

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời bao cấp, thứ quan trọng nhất trong đời sống con người là gạo. Nỗi lo lớn nhất là “mất sổ gạo”! Lúa gạo không đủ ăn nên không thể đem gạo nấu rượu.

Thời ấy, người hay uống rượu, đặc biệt là nghiện rượu được coi như là “phá gia chi tử”. Thậm chí, khi đời sống khốn khó quá, một số địa phương còn cấm cả việc nấu rượu. Tất nhiên, người dân thường chỉ nấu rượu bằng vài thứ lương thực như gạo, củ mì, hạt kê (gao). Thế nên nảy sinh việc lén lút xài rượu mía, một thứ rượu được lên men sinh học từ các cơ sở trồng mía sản xuất đường quốc doanh.

Các nông trường thời trước trồng mía, kéo che, nấu mật; thứ cho vào chõ sành kết tinh thành đường vàng, đường đỏ; thứ lên men sinh học cất lên thành rượu. Đường còn dùng làm nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, chế biến thành đường phổi, đường phèn. Rượu mía công xưởng được bán làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến rượu chai công nghiệp hoặc chưng cất thành cồn công nghiệp, cồn thực phẩm. Mọi sản phẩm rượu cồn cung ứng theo chỉ tiêu kế hoạch, rất ít được bán trôi nổi trên thị trường.

Lâu lâu, chúng tôi phải nhờ mối thân quen mới có được lít rượu mía để uống, coi là thả ga lên trời! Trong những cuộc nhậu rượu mía thì mồi là thứ xí quách, tức là thứ xương các loại sau khi hầm lấy nước lèo làm nước phở, mềm nhũn và nhạt thếch. Lâu lâu có đôi quả trứng vịt lộn mua của mấy người bán dạo về đêm. Có lần, tôi được người bạn làm việc ở Trạm Thú y tỉnh đi kiểm tra đem về ít “mẫu”, chủ yếu là mớ lòng tạp của heo, coi như bữa đại tiệc. Lại nhớ một người bạn của tôi, thường dịp Tết không về quê, cứ rượu mía say khướt. Đêm Giao thừa nằm vật vờ chờ sang sáng mùng 1, như một “liệu pháp” để quên, không vui không buồn! Mà ngày ấy, Pleiku nhiều cây, dân cư thưa thớt, mưa và sương mù rất dày. Cái cảnh u uất trầm mơ ấy cứ ngây ngây trong hồn người một nhu cầu trải lòng, ngồi và nhâm nhi. Và, Pleiku trong hồn tôi lúc ấy thế này: “Lơ thơ người bách bộ/Dắt díu hồn về đâu/Lang thang vài ngọn gió/Thổi xuyên qua cơn sầu/Những hàng cây sướt mướt/Ngày không có mặt trời/Lá vàng buông thảng thốt/Mưa rứt hồn rụng rơi”.

Đã quá lâu rồi không có món rượu mía nữa, mà bây giờ chẳng ai còn dám uống những thứ rượu ấy. Thế mà một thời nồng nàn ngây ngất rượu mía đưa một thế hệ qua những tháng ngày lận đận vui buồn ngẩn ngơ!

Có thể bạn quan tâm